Tôi đã bước vào “Ngôi đền” của Hội KTS như thế nào?

Tôi đã bước vào “Ngôi đền” của Hội KTS như thế nào?

Tôi có một chút e ngại sau cuộc họp lãnh đạo Vụ Văn hóa Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho nhiệm vụ nắm tình hình Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTS Việt Nam) sau khi họa sĩ Lương Xuân Đoàn – người có thâm niên gắn với Hội vừa nghỉ chế độ.



TS Lê Thị Bích Hồng tham dự Hội Trại KTS trẻ 2013 Tại Quảng Trị

Tôi là dân văn chương. Bước vào “ngôi đền” Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2 Hội được phân công), tôi đã có tâm thế của “người nhà”, thực sự cảm thấy thoải mái, tự tin ở lĩnh vực đó. Nhưng quả là với Hội KTS, tôi có lý do để lo lắng, băn khoăn vì… là dân “ngoại đạo” đến trên 200%. Biết tâm trạng và nỗi lăn tăn của tôi, anh Lương Xuân Đoàn cười hiền hiền và đã thiết kế một cuộc “chuyển giao” đầy ấn tượng tại trụ sở Hội KTS Việt Nam – 23 Đinh Tiên Hoàng – Bên Hồ Hoàn Kiếm giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Lần đầu bước chân vào Trụ sở Hội KTS Việt Nam – một Hội duy nhất trong 10 Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương may mắn được tọa lạc ở trung tâm Thành phố, tự nhiên, tôi cứ miên man trong ý nghĩ: Ở vị trí này, Hội KTS Việt Nam có nhiều cơ may được thỏa thuê hưởng trọn gió Hồ Gươm rời rợi, để “lắng trong hồn sông núi” cảm nhận “những buổi ngày xưa vọng nói về”. Tôi như thấy mặt hồ lay động, như thấy Vua Lê Lợi hân hoan “trả gươm báu” sau chiến thắng… Dường như, từ thế kỷ XV đến nay, “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”, Tháp Rùa vẫn trầm mặc soi bóng thời gian.

Qua những bậc cầu thang gỗ của ngôi nhà có kiến trúc kiểu cũ xưa thời thuộc Pháp, bước vào văn phòng Hội, tôi vượt qua rất nhanh tâm thế lạ lẫm bởi sự thiện tình, mến khách. Một sự chuẩn bị chu đáo, cách đón tiếp lịch sự, ấm áp khiến tôi có được cảm giác như người nhà. Với chất giọng miền Trung ấm áp, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội giới thiệu từng thành viên có mặt. Đây là PGS.TS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, người sở hữu một chiều cao lý tưởng mà tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc trong các cuộc họp của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Người có mái tóc muối tiêu, dáng nhanh nhẹn, đôi mắt khá “ướt” kia là Chánh Văn phòng Phạm Thanh Tùng – con trai nhà thơ Xuân Thiêm – nhà thơ quân đội có bài thơ “Bạch Long Vĩ” nổi tiếng. Tôi mê mải ngắm một đội quân văn phòng nhanh nhẹn, thiện nghệ, tươi trẻ với nụ cười tươi tắn thường trực, đó là em Hương Lan dẫu bận rộn với con số cứng nhắc nhưng lúc nào cũng mềm mại, dịu dàng; là Thu Hà có giọng cười giòn tan, khó đoán tuổi; là Hải Yến trầm lắng; là Hồng Hạnh duyên lặng… Những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười thân thiện, hai bó hoa tươi thắm được chính Chủ tịch Hội KTS trao tận tay hai anh em chúng tôi – một “cựu” và một “tân”. “Nghi thức” trân trọng đó đã xóa nhanh sự mặc cảm ban đầu. Và tôi đã bước vào ngôi nhà của những nghệ sĩ – KTS như thế đó.

Hiểu những băn khoăn ấy, tập thể lãnh đạo Hội KTS Việt Nam đã tạo những điều kiện tốt nhất cho tôi tiếp cận nhanh chóng một công việc khá mới mẻ. Tôi dự đầy đủ các cuộc họp Ban Chấp hành. Gặp gỡ hầu hết 113 KTS tham gia Ban Chấp hành Hội KTS khóa VIII và đông đảo những KTS tài hoa trong các hoạt động hội thảo, triển lãm, trao giải kiến trúc… Những hoạt động thường niên, những chuyến đi thực tế… đã cho tôi hiểu thêm về một Hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp mang tính đặc thù. Hội KTS Việt Nam là nơi hội tụ những KTS trong “ngôi nhà chung” với mục đích cùng làm nghề, cùng lao động sáng tạo, mà ở đó mỗi người phải thoả mãn dữ kiện cho “bài toán”: Vừa đảm bảo tính chính xác của khoa học kỹ thuật, nhưng vừa phải đạt tới tính nghệ thuật và thẩm mỹ. Đây chính là sự “cộng hưởng”, là “hai trong một”: kỹ thuật và nghệ thuật. Có thể nói, đây là một hội duy nhất có số hội viên đông nhất: Trên 5000 KTS tài hoa với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, khoáng đạt.

Với lòng nhiệt tâm, cầu thị, ham hiểu biết, ngoài các cuộc họp Ban Chấp hành, tôi hầu như có mặt khá đầy đủ tham dự những hoạt động chuyên môn, như: Hội thảo, hội nghị, tọa đàm, triển lãm, hội trại, Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia… Như “mưa dầm thấm đất”, mỗi ngày tôi tích lũy thêm những hiểu biết về ngành kiến trúc và Hội. Điều làm tôi ấn tượng nhất với Hội KTS là sự nghiêm túc trong hoạt động nghề nghiệp. Trong bất cứ cuộc họp nào, các KTS say sưa nghe trao đổi chuyên môn. Không tránh khỏi những ý kiến trái chiều, song điều rất đáng trân trọng là các KTS đều tôn trọng ý kiến cá nhân, góp ý cũng trên tinh thần xây dựng. Tôi đã từng chứng kiến những cuộc họp kéo dài quá giờ nghỉ trưa. Tôi cũng đã đọc thấy những gương mặt mỏi mệt vì cuộc họp chưa kết thúc, nhưng có một điều thật quý là các KTS đều rất trật tự, lắng nghe, tôn trọng với tinh thần học hỏi, cầu thị. Ban Chấp hành Hội nghiêm túc đánh giá việc xây dựng Hội, trách nhiệm của từng thành viên nhất là Ban Thường vụ đối với công tác Hội và vấn đề chuyên môn. Các ý kiến đều tập trung chỉ ra những khó khăn, bất cập của kiến trúc hiện nay, nhất là kiến trúc đô thị, kiến trúc nhà ở, kiến trúc cho người có thu nhập thấp; làm rõ những ưu điểm, kết quả và những hạn chế, khuyết điểm của Hội trong tập hợp, động viên hội viên, phát huy tiềm năng sáng tạo của anh em KTS trong sáng tác, quảng bá tác phẩm, tiếp thu công nghệ kiến trúc hiện đại của thế giới vận dụng trong thực tế ở nước ta; đánh giá công tác lý luận, phê bình đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác của KTS; cách thức đào tạo đội ngũ kế cận trong sáng tác và lý luận, phê bình; xác định vị trí, vai trò của Hội; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để KTS hành nghề thuận lợi trong bối cảnh hội nhập quốc tế; quan tâm đến xu hướng kiến trúc mới, nhất là kiến trúc xanh; những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi về cơ chế, chính sách để phát huy khả năng sáng tạo và niềm đam mê nghề nghiệp của hội viên…

Trò chuyện với KTS Khư­ơng Văn M­ười – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP. Hồ Chí Minh – người từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín, được biết đến với nhiều công trình nổi tiếng, như: Cao ốc Thuận Việt, quảng trường Hồ Chí Minh, công viên Bác Hồ… Anh đã nói một cách đầy tâm huyết về Hội “Chúng tôi hiểu những khó khăn của Hội KTS Việt Nam, vì thế tất cả chúng tôi đều biết gắn mình để “nuôi” Hội”. Với cá nhân tôi, làm quy hoạch, thiết kế công trình nơi nào có sông, có hồ, có mặt nước tôi đều rất thích, đều tìm cách khai thác lợi thế sông nước. Dòng sông không chỉ tạo cảnh quan, tạo nên một vùng vi khí hậu, giảm bớt bức xạ mặt trời, mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng sống động, không gian văn hóa cần phải gìn giữ.

KTS Nguyễn Văn Tất – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã đưa ra một định nghĩa: “Văn hóa kiến trúc là “không hỗn hào” với cộng đồng”. Tôi rất ấn tượng cách nêu vấn đề rất thẳng thắn có lý, thấu tình của KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội về kiến trúc hiện nay. Có “thâm niên” ở vị trí giám khảo Giải thưởng kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Ngô Doãn Đức đã cảnh báo nguy cơ đô thị hóa ở nông thôn hiện nay: “Chúng ta không được đô thị hóa nông thôn. Hiện đại hóa nông thôn thì rất cần, như đưa đường sá, điện nước nhưng bối cảnh, kiến trúc xanh, bối cảnh mà ông cha ta xây dựng, như những ngôi nhà 3 gian, 5 gian ở đồng bằng Bắc bộ hay nhà sàn ở miền núi thì phải giữ gìn. Tuy vậy chúng ta cũng không nên dập khuôn mà cần chuyển tải nó sang một ngôn ngữ kiến trúc mới”.

Tôi có dịp gặp gỡ với những “nữ tướng” ngành kiến trúc trong các hoạt động của Hội KTS Việt Nam. Đó là Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội Lã Thị Kim Ngân, PGS.TS Phạm Thúy Loan… Một điều đáng nể phục là các chị vừa đa tài như các đấng mày râu, nhưng vẫn mềm mại, duyên dáng, nữ tính. Khả năng và đóng góp của các nữ KTS đã mang tới một thông điệp “Ngành kiến trúc đâu chỉ độc quyền của nam giới”.

Những năm gần đây, chủ đề chính “Kiến trúc xanh Việt Nam hướng đến hiện đại và bản sắc” đã được Hội KTS Việt Nam quan tâm, định hướng. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ “Ngôi nhà của chính chúng ta” khỏi các tác nhân ô nhiễm, Hội KTS Việt Nam mà đi đầu là KTS Nguyễn Tấn Vạn đã đề xuất xây dựng một đề án về “Kiến trúc xanh Việt Nam” nhằm tạo lập môi trường sống bền vững cho con người hiện nay và trong tương lai. Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kiến trúc xanh từ thực tiễn xây dựng tại Việt Nam”. Ở đó, các chuyên gia, các nhà đầu tư, nhà tư vấn hàng đầu Việt Nam và quốc tế cùng chia sẻ những khó khăn và mong muốn, quyết tâm triển khai các dự án xanh tại Việt Nam… Một số xu hướng kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc sinh thái xuất hiện ở Việt Nam mới khoảng 10 năm trở lại mà mục đích là đưa công trình kiến trúc gắn liền với tự nhiên, tích hợp với các đặc điểm cơ bản của tự nhiên, tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm. Chính nhờ sự gắn bó hữu cơ với tự nhiên nên kiến trúc sinh thái dễ dàng tạo dựng tính độc đáo, không trùng lặp. Tiên phong trong xu hướng kiến trúc sinh thái phải kể đến các KTS như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào… Công trình của Võ Trọng Nghĩa Architects đã được chọn vào vòng chung kết của giải thưởng Ashden 2015, giải thưởng xanh được công nhận trên toàn cầu. Các công ty Kiến trúc xanh có thể giành chiến thắng với giải thưởng lên tới 40.000 £ và được công nhận trên toàn cầu là một trong những người đi tiên phong về năng lượng bền vững năm 2015 ở lễ trao giải có uy tín tại London vào ngày 11/6 tới.

Với vai trò người đứng đầu Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ: “Với tôi, kiến trúc xanh là phải đảm bảo tính dân tộc trong đó, việc giữ lại những di sản mà cha ông để lại chính là sự ghi nhận và kế thừa truyền thống. Tôi luôn mong muốn học hỏi những kiến thức lịch sử, văn hóa bởi ở đó cho tôi tri thức về cội nguồn mà ông cha ta từ bao đời đúc kết, gây dựng… Tôi luôn tâm niệm phải sống hết mình vì công việc thì thành quả đạt được sẽ trả xứng đáng. Thành công sẽ chỉ tới với người luôn biết tìm tòi và miệt mài với công việc”.

Nói về Giải thưởng Loa thành, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết: “Đây là giải thưởng do Hội KTS Việt Nam, Tổng hội Xây dựng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng tổ chức hằng năm tuyển chọn và trao giải cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên xây dựng và kiến trúc. Trong 60 tác phẩm đoạt giải thưởng Loa Thành năm 2013, điểm nhấn đáng chú ý là các công trình thiết kế vì cộng đồng, thân thiện với môi trường…”.

Lần đầu tiên tôi dự Liên hoan KTS Trẻ lần V – Quảng Trị 2013 “Về miền ký ức” tại Quảng Trị vào đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Những KTS tham dự đầy ắp những cảm xúc. Sáng 30/4/2013, đại biểu, KTS tham dự Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Kỳ đài Hiền Lương – Bến Hải và Khai mạc Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ V – 2013 tại Quảng Trị. Hội và toàn thể KTS Việt Nam đã đề xuất xây dựng một tượng đài Hòa Bình tại khu di tích Đôi bờ Hiền Lương – sông Bến Hải. Trước đó, Hội KTS Việt Nam đã phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng Hòa Bình nhằm phát huy khả năng sáng tạo của các kiến KTS trẻ, nhằm có được những ý tưởng tốt, tính biểu tượng cao, có khả năng kế thừa để nâng tầm thành tác phẩm tượng đài Hòa Bình.

Hướng tới hoạt động tri ân, Liên hoan KTS trẻ đã tổ chức viếng Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9. Có một KTS trẻ than thở với tôi “Đoàn KTS đông thế, mà vẫn không thể thắp hương cho tất cả những nấm mộ của các anh ấy. Em cứ cảm thấy như là người có lỗi”. Chừng để cho KTS trẻ ấy an lòng, tôi đọc bài thơ “Thăm mộ chiều cuối năm” (Thái Sơn):

“Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội

Hương trầm một thẻ biết làm sao

Thắp lên đành cắm nơi đầu gió

Hương khói đừng quên nấm mộ nào”

Đôi mắt bạn KTS trẻ sáng lên: “Tuyệt quá. Bài thơ nói rất đúng tâm trạng người đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ. Đoàn thanh niên đã phát động 10.000 ngọn nến cùng thắp ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là một sáng kiến tuyệt hay”. Tôi cùng Đoàn KTS trẻ dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 trong nỗi xúc động dâng trào. Cô hướng dẫn viên vừa thuyết minh vừa thỉnh thoảng liếc nhìn sang tôi nghẹn ngào. Nhà báo trẻ Lê Bích Vượng không thôi cảm xúc trước nghĩa trang đặc biệt, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ tác nghiệp để có những hình ảnh đẹp nhất, quý giá nhất.

Trong thời gian chuẩn bị Lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn, tôi và anh Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam ra thăm Đài Tưởng niệm lính sinh viên trong khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị. Hai anh em tôi thắp hương trên ban thờ lính sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Tay run run, anh Thông nghẹn ngào xúc động “Các anh ấy cùng thế hệ anh. Các anh ấy đã hy sinh để cho bọn anh được ra nước ngoài học tập… “.

Đêm hoa đăng trên bờ sông Thạch Hãn, cả một khúc sông rực sáng. Ai cũng muốn thắp lên một ngọn nến, thả vào lòng sông, sưởi ấm cho các chiến sĩ đang ngâm mình ở đáy sông lạnh lẽo. KTS Phạm Thanh Tùng đưa mấy lon bia Hà Nội cho KTS Ngô Doãn Đức và tôi. Đón lon bia trên tay, tôi còn chưa kịp hiểu, thì anh Tùng nói với tôi: “Hưởng ứng phong trào xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, lính sinh viên từ nhiều trường đại học ở Hà Nội, trong đó có sinh viên kiến trúc nằm lại đây… Em rót bia mời các chiến sĩ của chúng ta đang nằm trong lòng sông Thạch Hãn đi! Đàn ông bọn anh đều thích uống bia… Gửi cho các anh ấy một chút hương Hà Nội để thấy Thủ đô mình gần lắm… ”. Sống mũi cay cay… Hình ảnh tôi cùng KTS Ngô Doãn Đức rót bia vào lòng sông Thạch Hãn đã nhanh chóng lọt vào ống kính của KTS Nguyễn Văn Trung (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thừa Thiên – Huế, CLB KTS trẻ thành phố Huế). Trung nói với tôi “Cô đã truyền sự xúc cảm sang cháu”. Tôi thắt lòng nhớ câu thơ tạc trong đá:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông dưới đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”

Tôi đến Điện Biên dự cuộc “Gặp gỡ mùa Thu” cùng hơn 300 KTS trong cả nước nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc “Gặp gỡ mùa Thu” tập trung vào chủ đề KTS với Điện Biên Phủ – Bảo tồn và phát triển” và lựa chọn Điện Biên là điểm đến. Việc phân tích, đánh giá những thành công, hạn chế, thái độ ứng xử, giải pháp quy hoạch, giải pháp kiến trúc đối với di sản lịch sử Điện Biên Phủ là hết sức cần thiết. Đồng thời, các nhà khoa học, KTS trình bày các ý tưởng về khu kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và giới thiệu một số công trình thiết kế cho Điện Biên Phủ, như: Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ; Khu tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc tỉnh Điện Biên; nâng cấp Khu Trung tâm hành lễ và Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ A1… Cuộc “Gặp gỡ mùa Thu” tại Điện Biên đã góp phần bồi đắp thêm niềm tự hào dân tộc, lòng yêu đất nước, tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật kiến trúc, gắn với sáng tác trong mỗi tác phẩm để chiến thắng Điện Biên lịch sử, vang dội địa cầu luôn là bức tượng đài sừng sững trong lịch sử dân tộc.

Tôi biết thêm ở một khía cạnh khác, những KTS còn là những nghệ sĩ đa tài. Tố chất nghệ sĩ tiềm ẩn trong từng KTS. Tôi không quên Đêm hội trại ở Cửa Việt. Tôi vô cùng ấn tượng đêm Điện Biên “Gặp gỡ mùa Thu” cùng các KTS. KTS Phan Đăng Sơn vừa hát hay, vừa làm thơ giỏi. Hương Lan duyên dáng là tác giả của nhiều bài thơ nồng ấm. Thu Hà “cháy hết mình” với vũ điệu đỏ lửa trong đêm giao lưu ở Điện Biên…

Tình cảm nhân lên và nảy sinh qua giao tiếp. Tôi biết thêm và nối kết facebook với những KTS, trong đó có rất nhiều KTS trẻ, như: Nguyễn Thu Phong (Phó Chủ tịch Hội KTS HCM); Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Tuấn Anh, Vương Hoàng – Kiến Việt, Lê Bích Vượng, Thái Vũ Mạnh Linh (Hà Nội); Lê Sơn (Thanh Hóa); Bùi Huy (Quảng Trị), Trung KTS (Thừa Thiên – Huế)…

Cũng từ các cuộc gặp gỡ với Hội KTS Việt Nam, tôi đã có thêm mối quan tâm về ngành kiến trúc, có thêm những người bạn là KTS, hoặc yêu ngành kiến trúc. Gặp trong Lễ trao giải “Kiến trúc Xanh” tại Hà Nội, nhận lời mời của Trịnh Bá Dũng – chủ nhân Đường hầm đất sét Đà Lạt, tôi đã có mặt tại công trình nghệ thuật sáng tạo này. Trịnh Bá Dũng đích thân giới thiệu cho tôi công trình tâm huyết để tạo nên một kì tích toạ lạc giữa rừng thông xanh biếc, trải dài hơn 1.200m. Đây là công trình điêu khắc nghệ thuật dựa vào hai ý tưởng là tái hiện lại một Đà Lạt từ thuở ban sơ đến khi phát triển thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam. Điều làm tôi ấn tượng hơn cả đó là công trình kiến trúc tái hiện văn hoá Việt độc đáo.

Thành lập ngày 27/4/1948, Hội KTS Việt Nam đã bước sang năm thứ 67 phấn đấu và trưởng thành. Từ đó đến nay, ngày 27/4 trở thành ngày truyền thống của Hội KTS Việt Nam và từ năm 2011, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27/4 là ngày Kiến trúc Việt Nam và tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu trên phạm vi toàn quốc. 67 năm qua, từ 8 KTS sáng lập, đến nay, Hội KTS Việt Nam đã có trên 5.000 hội viên, trong tổng số khoảng 16.000 KTS hoạt động trên cả nước ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành, Hội KTS Việt Nam đã có nhiều đóng góp sáng tạo trong công cuộc kiến thiết – xây dựng đất nước; góp phần gìn giữ và xây dựng nền văn hoá. Kiến trúc Việt Nam và KTS Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, từng bước hội nhập với khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ công nghệ – thông tin và toàn cầu hoá hiện nay, giới KTS Việt Nam đã và đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn: Đó là xu hướng quốc tế hóa kiến trúc Việt Nam; sự lạc hậu về công nghệ, về công tác quản lý đầu tư xây dựng; kiến trúc đô thị còn ngổn ngang, nhiều bất cập; kiến trúc nông thôn đang có xu hướng lai căng và mất bản sắc văn hóa truyền thống…

Hội KTS Việt Nam ghi khắc sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng đối với ngành kiến trúc. Tại Lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam năm 2011, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận những thành tích mà giới KTS và Hội KTS Việt Nam đã đạt được và những khó khăn, thách thức mà giới và Hội đang đối mặt: “Ngay từ bây giờ kiến trúc phải tham gia vào sự chuẩn bị để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, từ công tác lập quy hoạch xây dựng đến thiết kế công trình kiến trúc. Chúng ta phải tạo lập không gian sống an toàn và bền vững cho nhân dân từ thành thị đến nông thôn, phải xây dựng một nền kiến trúc hài hòa và thân thiện với môi trường chung quanh, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu độc hại và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Nghệ thuật kiến trúc là nghệ thuật vị nhân sinh, vì cuộc sống của nhân dân, của xã hội. KTS là chủ thể sáng tạo, vì thế các đồng chí đang gánh vác trách nhiệm và vinh dự lớn lao trước cộng đồng và xã hội”. Để cùng nhau đoàn kết, đồng lòng phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cho tổ quốc, cho nhân dân, góp phần hoàn thành sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, ông Đinh Thế Huynh đề nghị giới KTS và Hội KTS Việt Nam quan tâm đến một số vấn đề: Thứ nhất, Hội KTS Việt Nam cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của kiến trúc, vai trò của KTS, của Hội KTS để cùng chung tay góp sức chăm lo cho sự nghiệp phát triển kiến trúc của nước nhà. Thứ hai, Hội KTS Việt Nam cần đi đầu trong định hướng sáng tác cho KTS để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, nâng cao hơn nữa vai trò tư vấn phản biện xã hội để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng. Thứ ba, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Hội KTS Việt Nam để quan tâm chăm sóc và tạo điều kiện tốt cho hoạt động sáng tạo của KTS, giúp KTS phát huy hết khả năng của mình, đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ KTS Việt Nam đã nối tiếp nhau viết nên những trang sử vàng truyền thống của Hội bằng tài năng sáng tạo, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Hội KTS Việt Nam đã bám sát tình hình trong nước và quốc tế, ảnh hưởng của các xu hướng kiến trúc thế giới và sự phát triển khoa học công nghệ tác động đến kiến trúc Việt Nam, để làm rõ thực trạng lực lượng, chất lượng sáng tác, quảng bá tác phẩm kiến trúc của Hội trong thời gian qua, khẳng định xu hướng, triển vọng của kiến trúc Việt Nam thời kỳ mới và vai trò của kiến trúc sư Việt Nam đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước. Ghi nhận công lao của giới KTS Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Hội KTS Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc Lập Hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng.

TS. Nhà Văn Lê Thị Bích Hồng

Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ

Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng