Giống như các đại đô thị tại Indonesia, Philippines, ThaiLand,… ở Đông Nam Á, TP HCM đang thực sự đối mặt với các vấn đề kinh tế – xã hội lẫn quản lý, chính sách mang đặc điểm Vùng Đại Đô thị (VĐĐT, Mega – Urban Region) có quy mô 10-20 triệu dân đang xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới hiện nay.
Bài viết trao đổi mong tìm lời giải đáp cho các vấn đề của một đại đô thị đặt ra cho TP HCM:
– Phải chăng xu thế phát triển VĐĐT là điều không thể đảo ngược được?
– Đâu là những kinh nghiệm và bài học đã từng bị lãng quên trong quá khứ?
– TP HCM có cách nào chuyển mình phát triển theo hướng bền vững trong các thập kỷ tới?
Phương án phát triển bán đảo Thủ Thiêm của nhóm qui hoạch WBE (Wurster, Bernardi & Emmons) năm 1972
Xu thế không thể đảo ngược?
Trước khi tìm hiểu về hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng ở nước ta, cần lưu ý 3 thực tế đang diễn ra ở quy mô toàn cầu ngày nay:
– Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, trong thế kỷ 21 này, trên 50% dân số toàn cầu sẽ sống trong các khu đô thị.
– Việc chuyển dịch dân số từ nông thôn sang thành thị này sẽ kéo theo sự thay đổi về phân bố dân cư đô thị, tạo nên sự khác biệt giữa các khu đô thị có quy mô khác nhau, cụ thể là ngày càng có nhiều khu đô thị lớn có dân số trên 20 triệu người.
– Các trung tâm đô thị đang ngày càng có vai trò trọng yếu vì là điểm tập trung một phần lớn dân số thế giới. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho việc quản lý nhà nước, tính bền vững của môi trường, và sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Không chỉ ở Việt Nam mà toàn vùng Đông Nam Á, sự tăng trưởng quá nhanh của đô thị hóa và nhất là xu thế hình thành các VĐĐT đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho sự phát triển. Tuy chỉ chiếm khoảng 16% dân số khu vực, các VĐĐT này với vai trò là cửa ngõ và điểm nối kết trong nền kinh tế hội nhập của khu vực Đông Nam Á và của toàn cầu, giữ vị trí then chốt, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế mỗi quốc gia. Vì vậy, việc đề ra các hệ thống quản lý, điều hành, và quy hoạch đô thị hữu hiệu để có được những vùng đô thị bền vững, duy trì hoạt động kinh tế, an sinh xã hội, và điều kiện sống tốt, đang trở thành những vấn đề trung tâm của chính sách.
Trong thực tế, hầu hết các thành phố lớn của châu Á đều đã chuyển sang mô hình phát triển VĐĐT trong khoảng thời gian từ các thập kỷ 1970-1980, tức là chỉ sau khi giai đoạn “quá độ đô thị” bắt đầu vào giữa thế kỷ 20, khi hầu hết các nước Đông Nam Á đã giành được độc lập. Tuy vậy, các VĐĐT này chỉ được cấu trúc bởi một hệ thống các đô thị phát triển theo kiểu phân tán, đa cực, phi tập trung hóa.
Mặc dầu tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng không đi ra ngoài xu hướng toàn cầu này, nhưng nó mới chỉ đang trong giai đoạn đầu của một thời kỳ tăng trưởng mạnh về đô thị sẽ kéo dài trong vòng 20 năm tới. Như vậy, chúng ta còn cơ hội để đề ra các chính sách đô thị nhằm ứng phó với những bất cập của cuộc cách mạng đô thị không thể cưỡng lại được này.
Đề xuất về hệ thống giao thông vùng và kết nối hai bờ sông Sài Gòn trong đồ án Thủ Thiêm của WBE năm 1972.
Những kinh nghiệm bị lãng quên
Các thành phố ở Việt Nam thực sự chỉ phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại kể từ ngày thực dân Pháp chiếm đóng Đông Dương từ giữa thế kỷ 19.
Tuy vậy, tình hình quy hoạch đô thị ở Đông Dương chỉ được cải thiện sau Thế chiến I (1914-18) khi đạo luật Cornulet ở chính quốc Pháp ra đời, quy định việc chỉnh trang các đô thị chính quốc lẫn thuộc địa. KTS và là nhà quy hoạch nổi tiếng Ernest Hébrard được mời sang Đông Dương chỉnh lý các dự án qui hoạch đô thị, trong đó có thành phố Sài Gòn.
Ông thừa nhận rằng các Đô đốc đã thực hiện nhiều công trình đồ sộ cho Sài Gòn, nào “Lấp kênh rạch, tạo các đại lộ nguy nga… Quy hoạch khu trung tâm Sài Gòn gợi nhớ các phương án huy hoàng thế kỷ 18 với đại lộ to rộng trồng cây, các dinh thự như Dinh Toàn quyền khống chế cả một tầm nhìn lớn”. Nhưng theo ông thì Sài Gòn thiếu các quảng trường, đường sá không phân cấp, không có các nút giao thông cho đường ra vào thành phố.
Quan trọng nhất là việc Hébrard nhìn ra hướng phát triển công nghiệp và xuất khẩu của Sài Gòn, đã đặt trọng tâm vào việc hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật hạ tầng, chủ yếu là ga xe lửa và cảng sông, củng cố thêm phố thị Khánh Hội và Nhà Bè, nhằm phục vụ cho một vùng phát triển toàn Nam Bộ rộng lớn hơn.
Thiếu ngân sách, đụng chạm tới quyền lợi của giới độc quyền nhà đất cũng như xung đột nội bộ trong Nha Công chánh ở trung ương là những nguyên nhân làm cho đề xuất quy hoạch rất sáng tạo của Hébrard không thực hiện được ở Sài Gòn vào những năm 1920 – 1930.
Thế chiến II nổ ra rồi chiến tranh Việt – Pháp làm Sài Gòn phình lớn ra nhưng phát triển rất hỗn độn. Quy mô dân số Sài Gòn đã vượt mức 2 triệu dân. Và Sài Gòn chỉ được lưu ý quy hoạch phát triển bài bản vào đầu các năm 1960.
Một nhóm tư vấn quy hoạch đô thị nổi tiếng thế giới của Mỹ Doxiadis & Associates được mời sang nghiên cứu phương hướng phát triển tương lai cho Sài Gòn. Doxiadis là nhà lý luận quy hoạch Mỹ gốc Hy Lạp khá nổi tiếng với chủ trương tạo dựng các “trung tâm đô thị động” theo dạng tuyến chứ không hướng tâm hoặc vệ tinh kiểu cổ điển. Với Sài Gòn, ông chủ trương mở rộng cái lõi trung tâm đô thị về hướng Bắc, kẹp theo xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Thành phố như vậy sẽ phát triển giữa 2 dòng sông Sài Gòn và Đồng Nai. Sân bay quốc tế đặt ở Biên Hòa, cảng Sài Gòn tập trung ở giao điểm các sông Sài Gòn và Đồng Nai là khu vực Nhà Bè. Hồ sơ đồ sộ của Dioxiadis Associates trông giống một nghiên cứu tổng thể quy mô về khí hậu, đất đai, địa hình – địa mạo, dân số, nhà ở và năng lực tài chính không chỉ của Sài Gòn mà cả miền Nam lúc đó hơn là một đồ án quy hoạch đơn thuần.
Nguồn lực và tài chính vào những năm 1960 đều dồn cho chiến tranh, cho nên phương án Doxiadis không thực hiện được. Chỉ khi viễn tượng hòa bình ló dạng vào cuối cuộc chiến, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cùng người Mỹ soạn thảo Kế hoạch Kinh tế Hậu chiến vào đầu các năm 1970 mang tên “Kế hoạch Lilienthal – Vũ Quốc Thúc” xác định Sài Gòn là trung tâm phát triển kinh tế toàn miền Nam. Khu trung tâm thương mại – dịch vụ Sài Gòn sẽ được hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nới rộng lên hướng Bắc và sang Thủ Thiêm.
Phương án phát triển bán đảo Thủ Thiêm của nhóm qui hoạch WBE (Wurster, Bernardi & Emmons) có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đề xuất việc xây dựng hẳn một khu thương mại-dịch vụ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Phương án quy hoạch táo bạo và rất tốn kém đó ra đời vào năm 1974, chưa kịp thực hiện thì miền Nam đã được giải phóng.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, tài liệu quy hoạch tổng thể cuối cùng cho Sài Gòn là “Kế hoạch phát triển vật thể Vùng Thủ đô” năm 1974 được thực hiện bởi Nha Thiết kế Thị thôn thuộc Bộ Công chánh và Giao thông của KTS Đoàn Hữu Khải (tốt nghiệp Sài Gòn và du học Mỹ) thực hiện. Đây là một đồ án rất khoa học và thể hiện sự tiếp thu các đồ án trước đó do người nước ngoài thực hiện.
Đồ án ứng dụng phương pháp chồng lớp bản đồ bằng công nghệ thông tin để xác định sử dụng đất phù hợp và thậm chí cả mô hình giao thông cho mỗi khu vực trong toàn vùng đô thị Sài Gòn (bao gồm cả Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Nhơn Trạch) và đưa ra quy hoạch cấu trúc có tính định hướng.
Một nỗ lực quy hoạch vùng đô thị TP HCM rất bài bản và đáng trân trọng sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước là phương án định vị vai trò thành phố trong tổng thể Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Đông Nam Bộ.
Phương án nghiên cứu tổng thể với sự hợp tác giữa Bộ Kế hoạch – Đầu tư và cơ quan viện trợ của chính phủ Australia đã thực hiện xong từ cuối năm 1996 mang tên “Qui hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 1996-2010”. Theo nghiên cứu trên, bước vào giai đoạn phát triển mới, sự phân bổ các hoạt động kinh tế vùng miền Đông Nam bộ được xác lập như sau:
– Thương mại – dịch vụ, giáo dục bậc cao tập trung ở TP HCM.
– Hoạt động giao thương, đầu mối giao thông quốc tế xuyên Á qua các cảng Sài Gòn, Thị Vải và Vũng Tàu.
– Công nghệ cao, công nghiệp sử dụng nhiều lao động chủ yếu ở ngoại thành TP HCM, công nghiệp nặng ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, chế biến nông sản ở Bình Dương và Đồng Nai.
Chính trong cuộc hội thảo về điều chỉnh lại qui hoạch tổng thể TP HCM tại Viện Qui hoạch thành phố mấy năm gần đây, nhóm tư vấn quốc tế Nhật Nikken Sekkei đã đồng tình với phương hướng qui hoạch tổng thể nêu trên khi đề xuất phương án qui hoạch TP HCM thành trung tâm kinh tế của Vùng trọng điểm phía Nam. Trong tương lai, sự phát triển của một đô thị với những dịch vụ hiện đại như TP HCM sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn thế nữa, phương án này cũng nhằm mục tiêu đưa TP HCM trở thành một Trung tâm – Siêu đô thị hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á.
Hướng tới phát triển VĐĐT bền vững
Sẽ là rất lý tưởng nếu sau năm 2020 Việt Nam có được ba VĐĐT là Vùng đô thị Bắc bộ (hạt nhân là Hà Nội), Vùng đô thị miền Trung (hạt nhân là Đà Nẵng) Vùng đô thị Nam bộ (hạt nhân là TP HCM).
Theo nghiên cứu của chúng tôi, có lẽ hiện nay chỉ còn Hà Nội, TP HCM là trong tình trạng đại đô thị đơn tâm (monocentricity hoặc là megacity) trong số tất cả các nước châu Á. Do vậy, việc chuyển nhanh sang VĐĐT với đặc tính đa cực, phi tập trung là một yêu cầu cấp bách.
TP HCM và các thành phố xung quanh đang lớn từng ngày, “đòi hỏi” chiếc áo phải được thiết kế lại và may mới, việc nới ra hay vá đắp thêm không còn phù hợp nữa. Nếu làm được như thế thì TP HCM nói riêng và VĐĐT, Vùng Trọng điểm kinh tế phía Nam sẽ phát huy được nhiều hơn nữa vai trò là đầu tàu trong tiến trình phát triển của Nam bộ. Còn nếu cứ giữ nguyên như hiện nay (qui mô, cách thức quản lý) thì nhất định sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong những năm tới.
Cho đến nay, VĐĐT được coi là mô hình có ưu thế nhất đáp ứng được sự đòi hỏi cùng lúc các lời giải cho bài toán qui hoạch, tăng trưởng kinh tế, dân số, giao thông, môi trường, văn hóa, lối sống.
Mỗi khu vực có thể lựa chọn cho mình mô hình VĐĐT khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải tìm mọi cách phá thế đơn độc để hòa nhập vào không gian kinh tế, văn hóa – xã hội rộng lớn hơn vượt ra khỏi biên giới hành chính hiện hữu. Việc chuyển sang VĐĐT sẽ giải quyết được một cách căn bản những vấn nạn bên trong mỗi đô thị lớn như tắc nghẽn giao thông, quá tải dân số, ô nhiễm môi trường và chủ động điều phối được những mối quan hệ giữa các đô thị trong toàn vùng về thị trường lao động, hàng hóa, vốn và các nguồn lực từ bên ngoài.
VĐĐT TP HCM sẽ bao gồm các thành phố lớn: TP HCM (loại 1 đô thị cấp quốc gia); loại 2: Biên Hòa, Vũng Tàu (đô thị trung tâm vùng) và sáu thị xã (trung tâm cấp tỉnh): Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Long Khánh, Xuân Lộc, Đồng Xoài, Tây Ninh và Tân An. Tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp lớn, quan trọng nhất ở miền Nam đều tập trung với mật độ cao ở các thành phố này. Ngoài ra, còn một loạt các TP mới đang hình thành là Dĩ An, Nhơn Trạch, Tam Phước, Phú Mỹ, Long Sơn, Long Hải, Bến Lức, những thị trấn mới này hầu hết là các trung tâm công nghiệp. Nhưng để trở thành VĐĐT, TP HCM nhất thiết phải phát triển thêm các thành tố sau đây:
– Cần xác lập các mối tương quan giữa các thành viên trong VĐĐT: TP HCM đóng vai trò chủ đạo như một nhạc trưởng, còn các tỉnh và TP khác sẽ thiết lập mối tương quan theo thứ bậc dựa trên qui mô dân số hoặc mức độ đóng góp GNP vào cả vùng.
– Sớm hình thành nên dải đô thị đối trọng trên cơ sở nâng cấp mở rộng các đô thị hiện hữu, có thể xây dựng thêm một vài đô thị mới để tạo nên dải đô thị đối trọng mà điểm khởi đầu là TP Biên Hòa và kết thúc của dải là TP Vũng Tàu. Dải đô thị này gồm có: TP Biên Hòa – TP Nhơn Trạch – thị trấn Long Thành – thị trấn Phú Mỹ – thị xã Bà Rịa – thị trấn Long Đất – thị trấn Long Hải – TP Vũng Tàu. Dải đô thị này trải dài song song với TP.HCM hiện hữu.
Trong dải đô thị này, Khu Công nghiệp Nhơn Trạch đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nó chính là đô thị trung gian (intermediate city) giữa ba đỉnh là Sài Gòn – Biên Hòa – Vũng Tàu. Phía Bắc Nhơn Trạch sẽ có sân bay quốc tế Long Thành, cảng Thị Vải, và nằm ngay sát sông Đồng Nai.
– Hình thành nên các thị trấn mới, các đô thị vệ tinh để giãn bớt dân cư từ 12 quận nội thành cũ bằng cách phát triển thêm phần dịch vụ, thương mại và nhà ở từ 14 trung tâm công nghiệp tập trung, khu chế xuất hiện hữu và phát triển mới từ các trung tâm công nghiệp đang phát triển ở phía Tây Bắc TP (Củ Chi, Hóc Môn) và phía Tây Nam TP (Bình Chánh) và Bến Lức (Long An).
– Hình thành nên các vùng nông thôn mới xen kẽ với các khu đô thị. Đó là các vùng nông thôn mới, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Các làng nông thôn mới khác (làng nghề, làng trồng rau sạch, làng trồng hoa kiểng, làng văn hóa dân tộc, làng du lịch) được qui hoạch lại theo kiểu mới, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại nhằm tạo ra sự cân bằng mới giữa con người nhân văn – môi trường nhân tạo hiện đại và môi trường tự nhiên đa dạng.
– Hình thành nên hệ thống quản lý VĐĐT. Một khi VĐĐT hình thành thì việc thiết lập nên một hệ thống quản lý vùng là điều bắt buộc. Hệ thống này có thể bao gồm ba cấp:
+ Thứ nhất là Hội đồng liên minh các chủ tịch UBND các thành phố (có tên gọi là Hội đồng thị trưởng).
+ Ở cấp thấp hơn là Hội đồng tư vấn, quy tụ các chuyên gia phát triển của các thành phố từ 100.000 dân trở lên.
+ Thứ ba là Hội đồng điều phối. Hội đồng này đóng vai trò là tổ chức điều phối hoạt động giữa các chủ thể trong vùng đô thị và các đối tác ngoài vùng sao cho hài hòa, nhịp nhàng.
Thay lời kết
Phát triển hài hoà VĐĐT còn là một thách thức lớn và quá mới đối với chúng ta. Dĩ nhiên, còn cần rất nhiều chính sách, biện pháp và lộ trình để thực hiện được nó, nhưng tựu trung chúng phải phù hợp với bối cảnh địa phương của từng vùng và đáp ứng được các yêu cầu sau:
– Thiết lập những hệ thống quản lý và điều hành hữu hiệu cho các VĐĐT.
– Làm cho các VĐĐT phát triển bền vững trong bối cảnh môi trường đang suy thoái và cạnh tranh kinh tế toàn cầu gay gắt.
– Mang lại cho các VĐĐT những điều kiện sống tốt về mặt công ăn việc làm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và chính sách xã hội.
– Làm sao cho người nghèo và người kém may mắn sống tốt trong các VĐĐT để họ có công ăn việc làm và được hưởng các dịch vụ như y tế và giáo dục.
KTS Nguyễn Hữu Thái