TP Thái Nguyên – Phát triển bền vững bên sông Cầu

Thời gian trôi qua thật nhanh, từ một đô thị trẻ, nay TP Thái Nguyên đã kỷ niệm 55 năm thành lập. Chung vui với TP Thái Nguyên với những thành quả đáng ngưỡng mộ, tôi cho rằng đây là một dịp tốt để nhìn lại quá trình phát triển của TP, của tỉnh với những bước tiến vượt bậc về nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục… đặc biệt là ở lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch qua các đồ án QHC và điều chỉnh quy hoạch ở các thời điểm: 1996, 2005 và 2016.

Tôi có may mắn được cấp trên giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Đồ án QHC xây dựng TP Thái Nguyên từ năm 1994, những năm đó Thái Nguyên bắt đầu phát triển, QHC lúc đó được nghiên cứu dựa vào KCN gang thép – Thời đó các TP được đặt tên theo các ngành CN đang thịnh hành, chẳng hạn như TP gang thép Thái Nguyên, TP dệt Nam Định, TP cảng Hải Phòng, TP hoá chất Việt Trì… TP được QH hướng về phía Tây, gắn với việc phát triển khu vực Hồ núi Cốc. QHC thời kỳ này chưa có nghiên cứu về Vùng Thủ đô nhưng Thái Nguyên đã có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước.

Năm 2005, điều chỉnh QHC TP Thái Nguyên được phê duyệt, đô thị được định hướng phát triển theo 3 hướng: Tây, Bắc và Nam; bước đầu tiếp cận mở rộng về phía Đông sông Cầu, khai thác yếu tố cảnh quan và văn hoá vùng miền Việt Bắc.

Trong quá trình phát triển, Thái Nguyên đã trở thành đô thị loại I. Năm 2016, Đồ án Điều chỉnh QHC thành phố Thái Nguyên đến năm 2035 do UBND thành phố Thái Nguyên tổ chức lập quy hoạch; liên danh tư vấn là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) và Công ty AREP của Cộng hòa Pháp thực hiện đã được phê duyệt. Phải nói rằng đồ án đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu rất bài bản, xác định được chiến lược phát triển, làm rõ vị thế và khả năng khai thác cảnh quan hai bên sông Cầu. Đây là một QH tốt, lý tưởng để TP Thái Nguyên phát triển xứng tầm một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và của vùng Trung du miền núi phía Bắc và là một cực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thái Nguyên đã rất nỗ lực thực hiện những dự án chỉnh trang đô thị, diện mạo TP thay đổi theo hướng tích cực, tạo được nhiều công trình kiến trúc giá trị. Phát huy truyền thống cách mạng, phát triển TP Thái Nguyên trong thời kỳ mới sẽ nhiều khó khăn. TP cần khai thác các nguồn lực xã hội, tư nhân, thu hút họ bằng các dự án hấp dẫn để đầu tư hiệu quả, phù hợp quy hoạch, xây dựng chính sách ưu đãi – “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. TP cần chú trọng các công trình hạ tầng, giao thông, môi trường; đồng thời xây dựng Chương trình kế hoạch đầu tư, theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.

Tôi cho rằng điều quan trọng là TP cần khai thác được “bài thơ đô thị” sông Cầu để phát triển TP cả hai bên sông, vừa tạo cảnh quan riêng, vừa giải quyết được những bài toán khó trong phát triển đô thị. Hy vọng rằng, với những lợi thế đặc biệt, sự quan tâm của lãnh đạo, sự nỗ lực của cộng đồng và một đồ án QHC lý tưởng, TP Thái Nguyên sẽ có những bước tiến vượt bậc, trở thành một đô thị sinh thái có bản sắc riêng biệt, có thương hiệu phát triển bền vững.

KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 9/2017)