Trao đổi về Đề xuất giải pháp làm “sống” lại sông Kim Ngưu

Sông hay là kênh thoát nước Kim Ngưu?

Qua báo chí, chúng ta cũng biết phần nào các dự án mới nhưng mang tinh thần của dự án cũ đã đề cập. Đó là dự án khai thác các không gian công cộng để kiếm tư lợi, “kinh doanh bất động sản” dưới dạng dịch vụ, thương mại, các tiện ích đi kèm như phố đi bộ, đài phun nước, quảng trường, bãi đỗ xe… cũng là những thành phần làm gia tăng giá trị khai thác BĐS… với tên gọi là “chỉnh trang môi trường”. Ta cũng nên xác định rõ tên gọi của nó để ứng xử cho phù hợp bởi điều này cũng giúp các chủ đầu tư chân chính, những người đã bỏ công sức, tiền bạc, trí tuệ, thời gian đóng góp với xã hội không bị thiệt thòi khi bị đối xử không công bằng.

Việc kết hợp kinh doanh BĐS để duy trì các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng là việc bình thường. Nhưng trước đó, thành phố cần có quy chế rõ ràng, phân định trách nhiệm công tư, lợi ích rành mạch, tránh tình huống lợi ích tư được chú trọng trong khi tài sản tư bị xâm hại nghiêm trọng. Chuyện này khá phổ biến tại Hà nội và các đô thị trong cả nước. Riêng ở Hà nội, ta đã thấy rõ tác hại của việc cống hóa làm nhà hàng, bãi đỗ xe ở đường Phan Kế Bính, đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy) hay Nguyễn Công Hoan (Ba Đình) cũng như nhà hàng trên bán đảo hồ Đống Đa, lợi chưa thấy đâu nhưng bức xúc xã hội kéo dài và việc khắc phục còn tốn hơn cả cái lợi đem lại.

Sơ đồ thoát nước và xây dựng các khu phố nội thành ( nguồn :Hanoidata)
  • Về diện tích và khối tích thoát nước : Thực chất đây không phải là sông mà là kênh thoát nước (kênh Kim Ngưu) cho toàn bộ 4 quận nội thành Hà Nội trong sơ đồ thoát nước do KTS Ebrad vẽ năm 1923 và thực hiện duy trì cho đến ngày nay . Đây là kênh thoát nước theo hướng Bắc – Nam cho toàn thành phố (lúc đó có vài chục vạn dân, chưa đến 30 vạn ngôi nhà). Ngày nay, dân số quanh lưu vực thoát nước tăng gấp 10 lần và diện tích nhà ở cũng tăng hàng chục lần … đồng nghĩa với công suất thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa gấp hàng chục lần khi xây dựng, trong khi mặt cắt thoát nước của kênh này không thay đổi. Do vậy:
    1. Nghiêm cấm thu hẹp diện tích khối tích thoát nước
    2. Nghiêm cấm việc ngầm hóa, che đậy bề mặt kênh nước phòng khi lưu lượng thoát nước lớn có thể tràn lên bề mặt cũng như công tác duy tu, nạo vét được tiến hành thuận lợi.
  • Về mặt xử lý nước thải: Trước 1960, việc thoát nước khu vực nội thành là thoát nước mặt, xử lý nước thải (XLNT) tại nguồn được quản lý và thực hiện nghiêm túc. Hầu hết các nhà vệ sinh thu gom nước tiểu và phân thải ra ngoại thành. Tuy nhiên, sau 1980 với sáng kiến phổ cập nhà vệ sinh bán tự hoại, thực chất là hòa loãng phân thải đổ lẫn vào hệ thống thoát nước mưa và kênh Kim Ngưu. Con kênh này chính là đường dẫn nước thải hòa loãng + nước mưa từ Bắc xuống Nam đi qua các khu dân cư dày đặc xuống Minh Khai, Yên Sở do vậy việc xử lý nước thải được tập trung ngay tại đầu kênh (cuối phố Lò Đúc, đầu phố Kim Ngưu) và đổ vào kênh. Bên cạnh đó, việc thu gom toàn bộ cống nước thải được đổ trực tiếp để xử lý trước khi đổ vào kênh. Như vậy sẽ bao gồm cả XLNT tập trung và bán tập trung, đây là việc làm khá tốn kém và phi thực tế. Thực tế Hà Nội đã nhập khẩu gần 10 trạm XLNT trị giá khoảng 1 tỷ USD (bắc Thăng Long, Hồ Tây, Trúc Bạch, Kim Liên, Bẩy Mẫu, Yên Sở …và vài trạm khác đang làm) nhưng chưa trạm XLNT nào hoạt động công bố kết quả, chỉ biết là một số trạm hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động do thiếu kinh phí trả tiền điện, hóa chất, nhân công vận hành… Hiện nay, Hà Nội chứng kiến cảnh cá chết tràn lan, bên cạnh các trạm XLNT vẫn phải có mấy cái bè thủy sinh chắp vá. Như vậy các dự án XLNT cần chứng minh năng lực tài chính, giải pháp kỹ thuật trước khi tính chuyện khai thác không gian công cộng kiếm tư lợi .
Sơ đồ thoát nước Hà Nội, dự án do JICA lập cho giai đoạn 1 và 2 ( nguồn: Hanoidata)

Như ta đã xác định, đây là kênh thoát nước trọng yếu cho toàn bộ các quận nội thành, khi mưa to kéo dài cần khẩn cấp thoát nước từ nội thành ra ngoại thành, từ Bắc xuống Nam. Các trạm XLNT bản chất là giữ nước lại, chảy lờ đờ … chính là nguyên nhân cản trở dòng chảy thoát nước khẩn cấp. Điều này mâu thuẫn giữa nhiệm vụ thoát nước và XLNT (trong khi thoát nước nhanh thì lẫn cả nước thải chưa xử lý). Câu hỏi đặt ra khi việc khai thác kinh doanh BĐS trên nền kênh thoát nước có đem lại hạnh phúc cho nhân dân nội thành hay đem đến thảm họa do nhân tai?

Việc huy động các sáng kiến cộng đồng vào cải thiện môi trường Hà Nội là rất đáng hoan nghênh, việc kết hợp duy trì các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị với khai thác BĐS để cân đối lấy thu bù chi là giải pháp bền vững …Nhưng các sáng kiến cần bắt đầu từ việc trả lời những câu hỏi đơn giản, dễ hiểu có tính nguyên tắc trước khi trình diễn các phương án viển vông, thiếu kiến thức cơ bản, dẫn đến tốn thời gian tiền bạc vào những chuyện tầm phào.

Tại buổi Tọa đàm do Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày15/8/2018 , Công ty Cổ phần R&D Quy hoạch (R&D Planners) đã trình bày bản đề xuất dự án cải tạo chỉnh trang môi trường Sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2 km từ ngã tư Lò Đúc – Trần Khát Chân đến cầu Mai Động.

Cụ thể, việc cải tạo được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ, phát huy yếu tố công cộng.

Các công trình dự kiến được xây dựng gồm quảng trường, đài phun nước, biểu tượng dự án; hai bãi đỗ xe thông minh 5 tầng; khu vực thương mại dịch vụ; tuyến phố đi bộ… Đơn vị tư vấn khẳng định các công trình nêu trên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.

Thông tin từ phía R&D Planners, tổng hợp chi phí xây dựng cho Dự án cải tạo 1,2km sông Kim Ngưu lên đến trên 480 tỷ đồng (480,717,128,500 VNĐ).

KTS Trần Huy Ánh

Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội