Với bài này, tác giả muốn thể hiện sự ủng hộ chủ trương khuyến khích phong trào “Lý luận phê bình kiến trúc” của Tạp chí Kiến trúc, thông qua việc phân tích, đánh giá một vài thiết kế các chung cư đã xây dựng ở Việt Nam dưới “Góc nhìn xanh”. Tác giả hiểu rằng: Người thiết kế chịu nhiều áp lực khi nghiên cứu và đề xuất các phương án, và họ, có thể, cũng biết trước những nhược điểm nên chưa chắc đã thật sự hài lòng những gì mình đã đề xuất. Mong muốn của chúng tôi là các công trình sau khi xây dựng thỏa mãn được mong ước của cả Chủ đầu tư, Người thiết kế và Người sẽ sử dụng công trình nhờ có sự đồng thuận trong phương pháp phê bình, đánh giá.
Quá trình đô thị hóa –tiêu chí thể hiện sự phát triển kinh tế một quốc gia – đang tăng nhanh ở nước ta và các nước trên thế giới. Nếu như năm 1880 dân sống trong các đô thị thế giới chỉ là 4%, thì 20 năm sau đã đạt 14%, và 50 năm sau (năm 1950) đạt 30%. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tỷ lệ đô thị hóa trung bình năm 2000 của thế giới là 47% và tại các nước phát triển là 76%. Ngân hàng thế giới dự báo, tới năm 2025 sẽ có 5 tỷ người, chiếm 2/3 dân số trái đất sống trong các đô thị. Ở nước ta tỷ lệ đô thị hóa hiện nay mới đạt được khoảng 40%, và đang phấn đấu để đạt được 50% vào năm 2025, so với Trung quốc năm 2010 đã đạt ~50%.
Khoảng 30 năm gần đây, các khu nhà ở cao tầng trong các đô thị nước ta phát triển nhanh và mạnh. Đó là con đường tất yếu để giải quyết nhu cầu ở cho người dân. Chủ trương phát triển nhà ở cao tầng là đúng đắn, vì sẽ làm tăng mật độ dân số, nhưng không tăng mật độ xây dựng. Phát triển nhà ở cao tầng sẽ dành được nhiều không gian cho công viên, vườn cây, hồ nước, làm tăng tỷ lệ không gian xanh (Green Space) đô thị, được WHO coi là “chỉ số đáng sống” của đô thị, với đòi hỏi đạt được tối thiểu 9 m2/ người [1], trong khi các thành phố Việt Nam mới chỉ có ~ 1 m2/ người. Xin lưu ý: Xây chung cư cao tầng không phải để dành quỹ đất cho “nhà chia lô” như nhiều khu nhà ở đã xây dựng những năm trước đây.
Một vấn đề lớn đặt ra là, các nhà chung cư đã đạt được yêu cầu “Tòa nhà xanh / Green building” ở mức độ nào, bởi vì Tòa nhà xanh không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp (xanh) cho người ở, mà còn đem lại những lợi ích to lớn hơn cho toàn đô thị, cho quốc gia và cho cả Trái đất [3]. Đó là nội dung chính chúng tôi muốn được trao đổi, thảo luận với bạn đọc và những người thiết kế kiến trúc trong bài báo này.
Đề xuất các tiêu chí đánh giá nhà ở xanh Việt Nam
Tháng 4/2011, Hội KTS Việt Nam công bố Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam [2]. Trong số 5 Tiêu chí lớn có 2 Tiêu chí về kiến trúc và 3 Tiêu chí về Công trình xanh.
Ba tiêu chí về Công trình xanh:
- Bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ, nâng cấp môi trường cảnh quan;
- Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả;
- Bảo đám chất lượng môi trường trong nhà.
Hai tiêu chí kiến trúc:
- Kiến trúc tiên tiến, bản sắc
- Tính nhân văn, xã hội bền vững.
Vận dụng các tiêu chí chung này chúng tôi đề xuất các “Tiêu chí nhà ở xanh” để đánh giá nhà chung cư cao tầng sau đây:
Tiêu chí 1: Khu nhà ở và tòa chung cư phải trân trọng, bảo tồn Hệ sinh thái đã có, cải tạo, bổ sung Hệ sinh thái mới phục vụ hoạt động làm gia tăng sức khỏe và tính cộng đồng, nhân văn (Việt Nam ta có câu Châm ngôn: “bán họ hàng xa, mua láng giềng gần”);
Ví dụ: Tòa chung cư Habita-67,Montreal, Canada với các sân xanh cho mỗi căn hộ và khu nhà ở Interlacs Singapore có sân xanh trên mỗi 6 tầng của tòa nhà (Hình 1.a và b). Khu nhà ở Punggol Singapore và khu nhà ở Sky Garden- HCM có các “đường đi dạo xanh” chạy dọc các tòa nhà (Hình 1.c & d) [3].
Tiêu chí 2: Mỗi căn hộ ở phải gắn kết được nhiều nhất với thiên nhiên: Không khí, gió, ánh sáng, tia nắng… vừa nâng cao vệ sinh, sức khỏe, vừa bảo đảm cuộc sống hàng ngày truyền thống của người vùng nhiệt đới gần biển (phơi phóng, trồng cây cảnh, …);
Tiêu chí 3: Thiết kế kiến trúc nhà ở phải lợi dụng tối đa khí hậu tự nhiên, đặc biệt đón gió mát, đón không khí trong lành, tạo được môi trường không khí vi khí hậu, vệ sinh và tiện nghi trong nhà. Đồng thời chống lại những bất lợi của khí hậu địa phương. Đó cũng là truyền thống kiến trúc lâu đời của người Việt (Hình 2).
Cần lưu ý rằng, do lãnh thổ Việt Nam kéo dài 15 vĩ độ và sát biển nên khí hậu có những thuận lợi và bất lợi riêng rất khác nhau: Miền bắc có địa hình rộng chiều ngang, có gió mát, gió lạnh và có tính hướng rõ rệt (Nam, Đông Nam & Bắc, Đông Bắc); miền Trung hẹp và kéo dài nhận được gió mùa mát, sạch sẽ từ biển (Đông) và chịu gió Tây khô nóng; miền Nam chỉ có gió mát mang tính đa hướng. Ngoài ra còn có các vùng trung du, núi cao, hải đảo với những đặc điểm khí hậu riêng rất khác nhau [3].
Tiêu chí 4: Tiêu chí được coi là trọng yếu khi đánh giá các tòa nhà xanh tại nhiều nước trên thế giới. Đó là tòa nhà có Hiệu quả năng lượng (giảm 30 – 50% năng lượng tiêu thụ, với tỷ lệ điểm đánh giá chiếm 40 – 60% [3]). Tiêu chí có liên quan chặt chẽ với việc sử dụng tối đa năng lượng tự nhiên, không bị phụ thuộc vào sử dụng thiết bị nhân tạo (Điều hòa không khí, máy sưởi ấm, sấy quần áo, sử dụng các thiết bị “xanh” …).
Ví dụ, căn hộ có các phòng mở cửa sổ ngoài, đón không khí, ánh sáng tự nhiên; căn hộ không có “phòng kín” bắt buộc sử dụng đèn điện và điều hòa không khí suốt ngày; căn hộ có sân, hiên, ban công để người ở có thể “thở / hít” và có tầm nhìn rộng ra bên ngoài, để phơi áo quần, đồ đạc nhất là những ngày nồm ẩm miền Bắc,… Đó cũng là thể hiện tính kế thừa văn hóa sống lâu đời của người Việt;
Tiêu chí 5: Sử dụng vật liệu truyền thống, vật liệu địa phương, vật liệu “xanh” có hiệu quả nhất. Đặc biệt phải giảm thiểu tiêu thụ nước cấp – một tài nguyên đang cạn kiệt dần, được thế giới rất quan tâm hiện nay.
Tiêu chí 6: Tiên phong áp dụng các công nghệ mới về sử dụng năng lượng xanh (từ Mặt trời, gió, sinh học), thu nước mưa, xử lý nước thải để sử dụng. Tiêu chí này cần được khuyến khích ở nước ta.
Ghi chú: các tiêu chí đề xuất mới là các Tiêu chí chung, chưa có các “Chỉ tiêu” cụ thể để tính điểm.
Áp dụng Tiêu chí nhà ở xanh đánh giá một số thiết kế chung cư đã xây dựng
Phần tiếp theo của bài báo,chúng tôi chỉ làm vài ví dụ minh họa cho các ý kiến nhận xét, đánh giá kiến trúc chung cư theo các tiêu chí đã đề xuất ở trên. Do vậy chỉ lấy một vài thiết kế đã đưa vào sử dụng mà không ghi rõ địa chỉ.
Nhiều mặt bằng nhà chung cư có dạng hành lang giữa. Xét về kết cấu và kinh tế giải pháp này là hợp lý, vì mặt bằng hành lang giữa sẽ làm tăng chiều dày, tăng độ cứng của tòa nhà chống gió / bão, tăng số lượng căn hộ. Nhưng về mặt đón không khí tự nhiên là bất lợi: chỉ một nửa số
căn hộ phía đón gió được hưởng lợi ích này, trong khi các căn hộ phía đối diện có thể chỉ nhận được “khí thải” từ các căn hộ phía trước.
Trong phần lớn các tòa nhà, không có một “sân xanh” nào làm nơi gặp gỡ láng giềng những lúc nghỉ ngơi, thể dục sáng chiều, nơi trao đổi, tâm tình cho thanh niên nam nữ.Trẻ nhỏ chỉ có thể chơi đùa, chạy nhảy dọc hành lang.
Giải pháp của Dolphin Plaza (Hình 4a) biến hành lang giữa thành hành lang bên đã tạo cho các phòng căn hộ trở nên thông thoáng, đón không khí tự nhiên tốt hơn.
Giải pháp nhà có sân trong của Grand View (Hình 4b) rất đáng khuyến khích tại các thành phố gần biển, có mưa to, gió lớn và bão tố như nước ta. Tuy nhiên sân trong phải “mở” để đón gió mát tới các căn hộ phía sau, còn sân tầng trệt có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ cảnh quan – môi trường hữu ích.
Có thể coi đó là hai “giải pháp xanh” cho các thiết kế chung cư nên được nghiên cứu mở rộng tại các khu nhà ở Việt Nam.Ở nhiều nước còn có nhiều giải pháp thông minh khác.
Tiếp theo chúng ta hãy xem kỹ hơn hai tổ chức căn hộ khá phổ biến trong các chung cư đang sử dụng (Hình 5).

(Nguồn: Kiến trúc nhà chung cư. Internet)
Căn hộ trên Hình 5a (trái) có đặc điểm:
- Căn hộ có 3 phòng ngủ, trong đó hai phòng ngủ và phòng khách có cửa sổ, còn phòng ngủ số 2 hoàn toàn bị bao kín bởi 4 bức tường, không thể nhìn ra ngoài trời.
- Toàn căn hộ chỉ có 1 hiên nhỏ 2 m2 phục vụ cho khu bếp, chắc chắn phải kết hợp làm nơi phơi áo quần, đồ đạc, nhưng gần như không thể có nắng chiếu vào nếu nhà quay về hướng bắc.
Căn hộ hình 5b cũng có 3 phòng ngủ và phòng khách, nhưng tất cả đều có cửa sổ nhìn ra ngoài. Phòng khách có ban công rộng hơn, thêm 1 “sân gió” có thể bố trí máy giặt và nơi phơi áo quần.
Như vậy, căn hộ 5b là “xanh hơn” và có thể tính giá bán cao hơn. Theo kinh nghiệm nhiều nước, các công trình đạt “Chứng chỉ xanh” tuy giá cao hơn ít nhiều (thường khoảng 5%) nhưng được ưa chuộng hơn nên khả năng tiêu thụ cũng nhanh hơn.
Ví dụ cải tạo chung cư theo các tiêu chí xanh (đề xuất)
Hình 6 giới thiệu mặt bằng kiểu hành lang giữa của hai tòa chung cư 26 tầng.Thiết kế kiến trúc chung cư đánh giá theo các “Tiêu chí xanh” như đã đề cập ở mục 1 là chưa đạt.
Chúng tôi đề xuất một vài giải pháp chính cải tạo thiết kế theo hướng “xanh” sau đây.
1. Phương án mong muốn (Hình 6a, trên):
- Mỗi 6 tầng nhà, biến hai căn hộ giữa (màu xanh) thành sân xanh chung. Sân có chiều cao thông 2 tầng. Giả thiết tòa nhà hướng Nam hoặc nhìn ra biển, sẽ đón được gió mát qua sân vào hành lang, tới các căn hộ phía sau;
- Để gió mát có thể lên tới hành lang của 4 tầng phía trên, mặt sàn 4 tầng trên sân được đục thông (tô màu đỏ). Có thể dùng thêm quạt ở cuối hành lang mỗi tầng để tạo thêm “áp lực âm” và điều khiển mức độ hút gió tự nhiên lên các tầng;
- Trên mái của khối giữa làm thêm sàn để tạo thành 3 “sân xanh” trên cao, dùng chung cho cả tòa nhà;
- Bổ sung thêm một số “hiên xanh” cho các căn hộ biên của tòa nhà (phần tô màu xanh). Với phương án đề xuất, mỗi tòa nhà “mất” 6 căn hộ (để biến thành sân xanh đón gió mát), tỷ lệ căn hộ giảm bớt khoảng 7%, có thể làm tăng giá bán căn hộ tương ứng.

Với phương án đề xuất, mỗi tòa nhà “mất” 6 căn hộ (để biến thành sân xanh đón gió mát), tỷ lệ căn hộ giảm bớt khoảng 7%, có thể làm tăng giá bán căn hộ tương ứng.
2. Phương án chấp nhận (Hình 6b, dưới):Mục đích của phương án (b) là giảm bớt số lượng căn hộ chuyển thành sân xanh. Vì vậy, cứ 5 tầng chỉ lấy 1 căn hộ để chuyển đổi thành sân xanh. Khi đó hiệu quả thông thoáng và không gian hoạt động cộng đồng cũng giảm bớt, nhưng số căn hộ chuyển đổi chỉ còn 4 ở mỗi tòa nhà, tỷ lệ căn hộ giảm bớt là ~3%.
Đồng thời, tầng kỹ thuật của tòa nhà (tầng 4) có thể dành một phần diện tích làm sân chung cho cả tòa nhà.
Các giải pháp 2,3,4 cũng tương tự phương án a.
Kết luận
Các đề xuất và phân tích của chúng tôi chắc chắn còn phiến diện, chưa hoàn thiện vì mới chỉ thông qua một “góc nhìn”. Chúng tôi mong muốn các nhà nghiên cứu góp thêm những góc nhìn khác, đặc biệt về văn hóa sống của người Việt và thẩm mỹ kiến trúc. Công việc phê bình là có khen / chê, có đòi hỏi / chấp nhận / phản biện để công trình kiến trúc ngày càng hoàn thiện, sao cho cả Nhà đầu tư, Người thiết kế và Người ở đều mãn nguyện, hạnh phúc và tự hào khi nhìn vào các công trình do chính mình tạo ra.
1. Phạm Đức Nguyên. Cây xanh, mặt nước và môi trường đô thị thời Biến đổi khí hậu. TCKT 278 – 06 – 2018
2. Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam . Hội Kiến trúc sư Việt Nam. TCKT – 04 – 2011.
3. Phạm Đức Nguyên. Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam. NXB Trí thức. Xuất bản lần 3, 2017.
Phạm Đức Nguyên
Ủy viên Hội đồng Kiến trúc xanh,
Hội Kiến trúc sư Việt Nam