Trí tuệ sinh thái: Từ kiến thức đến hành động thực tế

Trí tuệ sinh thái là gì? Trí tuệ sinh thái (TTST) liên quan như thế nào đến kiến thức sinh thái (KTST)? Để đưa TTST từ kiến thức đến hành động thực tế, bài viết thảo luận về TTST “sống chung với lũ” tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam, tập trung vào khía cạnh thích ứng với điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó, bài viết rút ra các bài học từ TTST cho các thành phố nhằm tăng cường khả năng thích ứng với lũ.

Quan điểm về trí tuệ sinh thái

– Trí tuệ sinh thái là gì? Năm 1973, nhà triết học Na Uy, Arne Naess, đã đưa ra thuật ngữ “ecosophy” để tạo ra một từ đồng nghĩa với TTST, đây là một tên gọi mới về thái độ của con người đối với tự nhiên (Naess, 1973). Ban đầu, Arne Naess cho rằng “ecosophy hay triết lý sinh thái” là: “Triết lý hòa hợp hoặc tính cân bằng về sinh thái” – một loại trí tuệ mà Plato gọi là Sophia, tức là sự khôn ngoan về mặt lý thuyết. Khái niệm này liên quan đến việc “Làm thế nào để sống trên trái đất mà có thể tận hưởng và tôn trọng sự giàu có, đa dạng của các dạng sống thuộc về hệ sinh thái” (Naess, 1989). Sau đó, bằng cách lập luận rằng TTST là một hình thức triết học, Xiang (2014, 2016) đã tái khẳng định khái niệm TTST trong bối cảnh thực hành sinh thái. Xiang (2014) cho rằng TTST vừa là trí tuệ mang tính cá nhân, vừa mang tính tập thể, không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn tượng trưng cho trí tuệ thực dụng. Để nhấn mạnh khía cạnh thực tiễn của TTST, Xiang (2016) đưa ra khái niệm ecophronesis (thực hành sinh thái) và định nghĩa khái niệm này là “kỹ năng xuất sắc trong việc sử dụng tri thức để đưa ra những lựa chọn đúng đắn và từ đó hành động đúng đắn trong bất kỳ trường hợp thực hành sinh thái nào”.

Do ít được khám phá nên các bài thuyết giảng về TTST hiện nay đa phần xoay quanh hai thuật ngữ: Triết học sinh thái và thực hành sinh thái, cũng như việc kết hợp cả hai vào khái niệm TTST. Từ đó, có những câu hỏi nghiên cứu được đặt ra, bao gồm: Liệu triết học sinh thái có hình thành nên thực hành sinh thái? Liệu thực hành sinh thái có thể củng cố hoặc đem lại ý nghĩa nào đó cho triết học sinh thái? Nếu TTST về cơ bản là “phương pháp đúng đắn để làm điều đúng đắn”, thì liệu triết học sinh thái có quan tâm đến điều “đúng đắn” này hay không – Hoặc những điều đúng đắn trong thực hành sinh thái là gì? Làm thế nào để những điều đúng đắn đó được thực hiện? Vì TTST là một khả năng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng ngữ cảnh nên điều đúng đắn với vai trò là một giải pháp khôn ngoan phù hợp với quy luật sinh thái có cần phải được xác định cụ thể hay không?

Các nhà thực hành sinh thái đã bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc vận dụng tri thức sinh thái. Khi thực hiện điều “đúng đắn”, người thực hành sinh thái khôn ngoan đã tìm ra các giới luật triết học có thể hướng dẫn tốt hơn hoặc điều chỉnh cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong lịch sử, ngoài triết lý sinh thái của Naess, cũng có những đề xuất tương tự liên quan đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Ví dụ, Lão Tử (571 TCN – 471 BC) đã lập luận rằng: “Con người tuân theo các quy luật của Trái đất; Trái đất tuân theo các quy luật của Trời; Thiên đàng tuân theo các luật phổ quát; các quy luật phổ quát chính là các quy luật tự nhiên”. Học giả Nassim Nicholas Taleb (2012) gần đây cũng lập luận rằng: “Những gì mẹ thiên nhiên làm là những điều phù hợp và đúng đắn; những gì con người và khoa học đã làm đang dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng”. Điều này cho thấy xu thế ủng hộ quan điểm “đi theo chỉ dẫn của tự nhiên” hiện nay.

Tuy nhiên, các hướng dẫn triết học vẫn còn khá trừu tượng, khó có thể dẫn lối cho hành động thực tế. Để TTST có thể biến thành hành động, cần có các nguyên tắc TTST – những chỉ dẫn rõ ràng mà một nhà thực hành sinh thái có thể làm theo để phát triển các giải pháp sinh thái khôn ngoan cho một vấn đề thực tiễn. Trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế sinh thái, những chỉ dẫn như vậy đã được đưa ra. Một trong số đó là “Thiết kế dựa vào thiên nhiên” của KTS cảnh quan Ian McHarg (1969) – một phương pháp phát triển đất đai có hệ thống nhằm tránh những khu vực nhạy cảm với môi trường và thiết kế gắn với động lực học tự nhiên. Tương tự như vậy, trong cuốn Thiết kế Sinh thái, Van der Ryn & Cowan (1996) đã đề xuất “5 nguyên lý thiết kế sinh thái” – bao gồm: Giải pháp thích ứng với địa điểm; tính toán ảnh hưởng của thiết kế lên hệ thống sinh thái; thiết kế hài hòa với thiên nhiên; mọi người đều là một nhà thiết kế; tìm hiểu về thiên nhiên. Nhìn chung, triết lý liên quan đến mối quan hệ giữa con người và tự nhiên vẫn còn rất trừu tượng, do đó cần được tiếp tục khám phá để tìm ra những đầu mối nhằm xác định rõ các nguyên tắc của TTST trong thực hành sinh thái.

– Mối liên hệ giữa trí tuệ sinh thái và kiến thức sinh thái: Kiến thức sinh thái (KTST) và TTST được coi là có liên hệ gần gũi nhau, nhấn mạnh vào việc ứng dụng thực tiễn các kiến thức để thực hiện các hành động khôn ngoan. Xiang (2014) cho rằng: “TTST là một hình thức đặc biệt của kiến thức sinh thái bao gồm những hiểu biết lâu dài của cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân”. Liao (2016) trong nghiên cứu về “Trí tuệ sinh thái sống chung với lũ” tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam đã diễn giải: “Sống chung với lũ là một biểu hiện của TTST, là quyết định khôn ngoan, là cách mà con người tương tác với thiên nhiên dựa trên kiến thức về thiên nhiên”. Theo quan điểm của Liao, TTST tại vùng ĐBSCL là kinh nghiệm quan sát qua nhiều thế hệ, là sự tổng hợp các kiến thức từ động lực học của lũ và các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, KTST có thể bị lạm dụng và không thể dẫn lối cho thực tế nếu không được soi sáng bằng các hành động khôn ngoan. Do đó, kiến thức chưa hẳn đã dẫn đến trí tuệ, nhưng lý thuyết hiện tại vẫn cho thấy trí tuệ vẫn cần một số kiến thức.

Lối sống chung với lũ tại ĐBSCL: sử dụng nhà sàn để đễ dàng thoát lũ và không gian phía dưới được thiết kế để chứa đồ đạc trong mùa lũ. Nguồn: (Liao, Le et al. 2016)
Cầu đi bộ một giải pháp giao thông trong mùa lũ. Nguồn: Ảnh trái

(Lê Thị Phương Đông), ảnh phải (Liao, Le et al. 2016)

Khám phá mối quan hệ giữa TTST và KTST có thể đem lại hiệu quả đặc biệt trong thực hành sinh thái vì bối cảnh ngày nay. Thứ nhất, xã hội loài người có nhiều KTST hơn trước đây nhưng loài người tiếp tục duy trì các biện pháp tác động tiêu cực đến môi trường với tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Điều này cho thấy các KTST bổ sung vẫn chưa phù hợp với thực hành sinh thái bền vững. Thứ hai, nền văn minh đô thị có ít liên hệ với môi trường tự nhiên và do đó có ít KTST hơn. Nếu thực hành sinh thái đòi hỏi cần đủ KTST thì làm thế nào các đô thị hiện nay có thể đạt được thực hành sinh thái bền vững. Cuối cùng, các nhà thực hành sinh thái hiện nay thường phải thực hiện các dự án ở các địa điểm mà họ không quen thuộc về sinh thái. Làm thế nào để họ có thể làm được những điều đúng đắn trong khi không có KTST sâu sắc về một địa điểm cụ thể? Do đó, TTST từ kiến thức đến hành động thực tế có thể giải đáp những nút thắt này, đưa ra được các phương pháp đúng đắn để tạo nên những lợi ích thực tế và lâu dài trong công tác quy hoạch cảnh quan và đô thị, hoặc ít nhất là có khả năng giảm thiểu hoặc tránh tạo ra những ảnh hưởng xấu thực tế và lâu dài.

Thiết lập và phục hồi các vùng ngập nước tự nhiên trong đô thị sẽ giúp tăng cường khả năng chứa lũ và tăng đa dạng sinh học trong đô thị

Trí tuệ sinh thái “sống chung với lũ” tại vùng ĐBSCL

1. Giới thiệu chung về ĐBSCL

ĐBSCL, một biểu tượng cảnh quan năng động, một khu vực được hình thành bởi quá trình bồi đắp của dòng sông Mekong hùng vĩ và hành trình đổ ra biển Đông qua 9 cửa sông. ĐBSCL là vùng hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mekong trước khi đổ ra biển Đông, vùng đồng bằng châu thổ có diện tích xấp xỉ 39.734 km2, chiếm 4% diện tích toàn lưu vực sông Mekong. Mùa lũ tại ĐBSCL hằng năm bắt đầu từ tháng 7, gia tăng dần từ tháng 8 – 9, cao điểm vào tháng 10 và giảm dần vào tháng 11 – 12. Bình quân vào mùa mưa, lưu lượng lũ cao nhất là 139.000 m3/giây, gây ngập từ 1,2 đến 1,9 triệu ha. Lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra có tính chất chu kỳ hàng năm tại ĐBSCL.

2. Trí tuệ sinh thái “sống chung với lũ” tại ĐBSCL

– Kiến thức về lũ tại ĐBSCL: Trái ngược với truyền thống xây dựng các công trình kiểm soát lũ kiên cố ở đồng bằng sông Hồng tại miền Bắc, thái độ với lũ lụt ở ĐBSCL tại miền Nam cho thấy một quan điểm chấp nhận sống chung với lũ. Từ thời tiền thuộc địa trở về trước, kiến thức thuần hóa nước giữa hai vùng đồng bằng của Việt Nam cũng rất khác nhau: Đê và kỹ thuật bảo vệ đê là một phần trong công tác quản lý nước ở miền Bắc, trong khi miền Nam tập trung nhiều vào chỗ ở dọc kênh rạch và ven sông. Quá trình khai hoang và các hệ sinh thái khác nhau không chỉ tạo ra các xã hội khác nhau ở Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, mà cụ thể hơn còn phát triển kiến thức về môi trường theo những cách khác nhau. Kiến thức này ở ĐBSCL được phản ánh bằng thuật ngữ địa phương “sống chung với lũ” thể hiện thái độ thích ứng của người dân bản địa đối với các mối đe dọa từ nước lũ.

Tại ĐBSCL, thuật ngữ “mùa lũ” còn được gọi là “mùa nước nổi”, chỉ một khoảng thời gian khi tất cả mọi thứ đều nổi trên mặt nước. Đó là bởi vì mọi người đều cố gắng để có thể ở trên mặt nước. Chiến lược đơn giản nhưng vô cùng quan trọng này cho phép cuộc sống hàng ngày vẫn có thể diễn ra trong suốt mùa lũ. Lũ lên theo mùa là một nguồn lực phát triển quan trọng, đây là một nguồn lợi cho tưới tiêu nông nghiệp, cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, lũ làm tăng nguồn lợi thủy sản tự nhiên, mang phù sa để bồi đắp đất nông nghiệp và giúp phục hồi nguồn nước ngầm. Quan điểm về lũ ở đây cũng rất đặc biệt, lũ được chia làm nhiều loại, lũ vừa còn được gọi là “lũ đẹp” vì giúp mang lại nguồn sinh kế. “Lũ nhỏ” và “lũ cao” đều là những loại lũ không mong muốn, chúng đem lại ít cá hơn và thúc đẩy cỏ dại lan tràn sau khi lũ rút. Lũ kéo dài hầu như đều được chấp nhận miễn là mức độ không quá cao; lũ kéo dài mang lại lợi ích cho nghề đánh bắt cá trên ruộng ngập nước, ruộng càng ngập lâu thì càng có nhiều thời gian để đánh bắt cá.

– Lối sống “sống chung với lũ”tại ĐBSCL: Ở một số vùng tại ĐBSCL, mặc dù không có cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ nhưng các khu vực này vẫn có thể an toàn và duy trì khả năng hoạt động trong những trận lũ kéo dài với đỉnh lũ từ 2 – 3m, với những trận lũ như vậy có khả năng tàn phá hầu hết các thành phố lớn. Tại đây, trước những thách thức từ môi trường và thủy văn, tri thức địa phương được thể hiện ở các hoạt động “thích ứng” chứ không phải kiểm soát lũ. Tri thức này bắt nguồn từ các kiến thức về sinh thái học về lũ, cũng như hiểu biết về các dịch vụ hệ sinh thái lũ. Kiến thức sinh thái này được hình thành thông qua quan sát từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thích nghi ở đây được hiểu là các biện pháp điều chỉnh sao cho phù hợp với chế độ lũ mà không cần thay đổi chế độ của các đợt lũ đó, thích nghi với lũ trái ngược với kiểm soát lũ (tức cố gắng làm thay đổi chế độ lũ). Thích nghi với lũ cũng bao gồm “sống chung với lũ”, thể hiện một lối sống chấp nhận và chịu đựng lũ nhờ vào tăng cường khả năng thích nghi của tài sản.

Đối với lũ chu kì, người dân đã quá quen thuộc và họ tìm cách hạn chế các tác hại của lũ bằng cách “né lũ” qua các biện pháp: Chuyển người và gia súc tới nơi ở cao hơn, sắp lịch thời vụ phù hợp để kịp thu hoạch trước khi lũ về. Quan điểm “chống lũ” triệt để có những trở ngại về kinh phí và môi trường. Dần dần, người dân mềm dẻo hơn, chuyển sang hình thức “sống chung với lũ” một cách phù hợp, nghĩa là kết hợp giữa hạn chế tác hại của lũ đồng thời khai thác các lợi ích do lũ mang lại, bao gồm cả biện pháp công trình và biện pháp phi công trình. Các biện pháp công trình bao gồm: Dựng nhà sàn, kênh thoát lũ, trồng rừng phòng hộ, di chuyển bằng thuyền…; và các biện pháp phi công trình bao gồm: đa dạng lịch thời vụ sản xuất, nâng cấp hệ thống dự báo thời tiết… Nhờ khả năng phản ứng cục bộ và điều chỉnh kịp thời nên dân cư tại đây là những cộng đồng linh hoạt. Sự nhanh nhẹn được thể hiện trong “tính chất lưỡng cư”, họ có thể dễ dàng chuyển đổi bản thân để hoạt động trong cả điều kiện khô ráo và ngập nước.

– Vai trò của trí tuệ sinh thái “sống chung với lũ” trong bối cảnh hiện nay: Nền văn minh sông nước đã tồn tại lâu đời tại ĐBSCL, đối với quá trình định cư tại đây, những lợi ích không thể phủ nhận là nước mang lại khả năng tái sinh cho đất, do đó tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những mối đe dọa nghiêm trọng từ nguồn nước tại đây: Lũ lụt vào mùa mưa, khan hiếm nước và xâm nhập mặn vào mùa khô. Cuộc sống gắn liền với sông nước khiến người dân nơi đây tự tạo cho mình những kiến thức về thủy văn, phát triển các công nghệ thích ứng với điều kiện đất đai và thủy văn. Đồng thời, chuyển đổi sản xuất để phù hợp giữa mùa mưa và mùa khô, khi nền sản xuất bị tác động bởi quá nhiều nước và quá ít nước.

Con người can thiệp vào môi trường tự nhiên được biết đến như là một quá trình thu nhận tri thức mới và kinh nghiệm thực tế. Sự tương tác chặt chẽ của xã hội với môi trường tự nhiên ở vùng ĐBSCL đã sản sinh một khối lượng lớn về tri thức môi trường – xã hội. Lối sống “sống chung với lũ” có ý nghĩa quan trọng đối với các thành phố đang đối mặt với những thách thức từ ngập lụt tại ĐBSCL. Đối với các thành phố hiện đại, quản lý lũ cần nền tảng tri thức về động lực học tự nhiên, vì đó là nền tảng cơ bản để điều hoà các mối quan hệ cộng sinh giữa hoạt động của con người và các động thái thủy văn. Mối quan hệ giữa các thành phố và lũ lụt hiện nay không nên bị giáng xuống đến mức gây nguy hiểm trong quản lý. Chuyển sang mô hình thích nghi với lũ có thể mang đến một tương lai tốt đẹp hơn, nơi thành phố trở nên an toàn hơn trước các trận lũ và người dân có được các lợi ích từ lũ, giống như lối sống lâu đời tại ĐBSCL.

Bài học cho các thành phố hiện đại tại ĐBSCL

1. Các thành phố cần nuôi dưỡng kiến thức sinh thái về lũ

Thuật ngữ “hệ sinh thái lưỡng cư” được sử dụng để mô tả sự tương tác giữa con người và lũ lụt tại ĐBSCL. Để có cuộc sống tốt hơn tại vùng đồng bằng này, con người đã phải học cách đối mặt giữa ranh giới đất và nước. Để sống chung với lũ, các thành phố hiện đại cần có khả năng hoạt động trong cả điều kiện khô ráo và ngập nước. Tri thức về “hệ sinh thái lưỡng cư” nên được áp dụng rộng rãi cho các thành phố đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Tri thức này được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa con người với các động lực học của lũ. TTST ở đây được thể hiện ở các hoạt động thích ứng chứ không phải kiểm soát lũ. Khi các dịch vụ sinh thái của lũ được đánh giá cao, môi trường xây dựng sẽ không còn mục đích kiểm soát lũ.

Nhận thức về thích ứng với lũ trái ngược hoàn toàn với các hoạt động kiểm soát lũ. Các mô hình kiểm soát lũ dẫn tới phân chia kênh rạch, đê quai, điều tiết ở thượng nguồn, hạn chế ngập nước tự nhiên, điều này có thể khiến nhiều con sông tại các khu vực đô thị mất đi hầu hết các dịch vụ sinh thái. Đối với lũ có tính chất chu kỳ là chìa khóa để hệ sinh thái ngập nước phát triển nên lũ không phải hoàn toàn có hại. Nếu có đầy đủ kiến thức về lũ, các thành phố sẽ tương tác tốt hơn với các hiện tượng lũ lụt tự nhiên. Đối với các thành phố đối mặt với lũ theo chu kỳ như tại ĐBSCL, lũ giúp phục hồi các hệ sinh thái ven sông, tăng đa dạng sinh học cho đô thị, cung cấp thêm nguồn phù sa cho các hoạt động nông nghiệp. Lũ còn cải thiện môi trường nước ô nhiễm, làm sạch môi trường sống.

Việc điều tiết ổn định tạm thời của hệ thống kiểm soát lũ vô hình chung khiến công chúng ít quan tâm đến tình trạng của dòng sông và thiếu nhận thức về các động thái thủy văn ven sông. Để nâng cao nhận thức của công chúng với quá trình sinh thái lũ, thiết kế đô thị cần đưa nước mưa và lũ lụt vào tâm trí của người dân. Lồng ghép các công viên ven sông trong đô thị có thể đưa công chúng tiếp cận tốt hơn đến các hiện tượng lũ tự nhiên. Các hệ sinh thái ven sông có thể tái tạo và phục hồi mạnh mẽ sau mỗi cơn lũ, góp phần đảm bảo cân bằng cho hệ sinh thái đô thị. Tận dụng lũ sẽ giảm tác hại của lũ, thay đổi quan điểm trong cách tiếp cận với lũ.

2. Xây dựng các thuộc tính thích ứng với lũ

Liao (2012) lập luận rằng khả năng thích ứng với lũ cần được học hỏi từ những xáo trộn do lũ gây ra. Lý thuyết về khả năng thích ứng với lũ của đô thị có 3 thuộc tính quan trọng: Khả năng thích nghi với lũ dựa trên những điều kiện của địa phương (địa phương hóa), điều chỉnh kịp thời sau mỗi trận lũ, và sự dư thừa trong các hệ thống con sông (Liao, 2012). Khi xem xét hai thuộc tính đầu tiên tại các vùng ngập lũ tại ĐBSCL thì có thể thấy đây đều là những kết quả đúc rút được từ các trận lũ từ năm này qua năm khác, kinh nghiệm có được chủ yếu đến từ những tác động vô hại từ lũ lụt.

Chất lượng của khả năng thích ứng tại đây thể hiện bằng sự điều chỉnh kịp thời, đây cũng là một hình thức rút kinh nghiệm từ lũ. Điều chỉnh là cần thiết vì một trận lũ lớn tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay sau một trận lũ lớn, người dân đã gia cố và nâng cao nhà của mình trước khi trận lũ năm sau đến. Điều này khiến họ không phải chịu nhiều vất vả trong các trận lũ có cường độ lớn hơn năm sau. Ngược lại, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ thường mất nhiều năm, có khi hàng thập kỷ. Khi các biện pháp giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của lũ cho một thành phố được khoanh vùng ở cấp độ tài sản thì sự điều chỉnh kịp thời trên toàn hệ thống có khả năng đem lại hiệu quả cao hơn.

Thiết lập và phục hồi các vùng ngập nước tự nhiên trong đô thị sẽ giúp tăng cường khả năng chứa lũ và tăng đa dạng sinh học trong đô thị

3. Chuyển đổi từ kiểm soát lũ sang mô hình thích ứng lũ

Thiết kế môi trường có tính đến các tình huống xấu và thích nghi với lũ là một phần bình thường của môi trường sống. Khi dựa vào mô hình kiểm soát lũ, thiết kế đô thị rất ít khi tính đến các tình huống xấu, việc giảm nguy cơ của lũ được cho đó chỉ là vấn đề của kỹ thuật thủy lực. Tuy nhiên, các trận lũ lụt điển hình trên thế giới lại cho thấy: Các mô hình kiểm soát lũ hoàn toàn mất tác dụng khi lũ vượt quá công suất thiết kế, một số trường hợp lại không có tác dụng với cả lưu lượng lũ nhỏ. Mô hình thích ứng với lũ tại các địa phương trong vùng ngập lũ tại ĐBSCL cho phép lũ diễn ra vì lũ không được coi là luôn luôn gây hại. Tại đây, để chung sống cùng lũ cấu trúc xây dựng luôn linh hoạt để dễ dàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ và đặc biệt mô hình này có thể “lưỡng cư” trong mọi điều kiện thủy văn.

Nhiệm vụ của các nhà thiết kế đô thị, các nhà sinh thái học cần có sự hợp tác sâu rộng hơn nhằm tiếp tục khám phá các dịch vụ sinh thái lũ trong đô thị. Cần làm sáng tỏ và phân loại lũ, trong đó lũ tốt cần được đón nhận và tận dụng, tránh tạo ra các hình ảnh tiêu cực về lũ tới công chúng. Mô hình thích ứng với lũ sẽ được đón nhận nếu công chúng thực sự hiểu đúng về lũ, hướng đến chấp nhận sống chung với lũ trong các đô thị trong tương lai.

Không gian mở có thể trở thành khu vực chứa lũ hiệu quả nếu thiết kế đô thị tính đến các tình huống xấu để thích nghi với lũ. Nguồn: ASLA (2015)

Kết luận

TTST có thể đi từ lý thuyết đến hành động thực tế. TTST “sống chung với lũ” có ý nghĩa quan trọng đối với các thành phố đang đối mặt với ngập lụt. Đối với các thành phố hiện đại, quản lý lũ cần nền tảng tri thức về động lực tự nhiên, vì đó là cơ sở để điều hoà mối quan hệ giữa con người với các động thái thủy văn. Đối với các thành phố hiện đại, để nuôi dưỡng mối quan hệ tương tự, cần phải nhận thức rằng lũ là một phần tự nhiên của động lực học đô thị và thích ứng với lũ là hành động nhân văn về mặt kinh tế xã hội. Do đó, để thích ứng với lũ, thiết kế đô thị cần coi lũ là một nguồn tài nguyên có lợi cho đô thị, đồng thời cần kết hợp quá trình sinh thái của lũ vào các không gian mở. Ngoài ra, cấu trúc đô thị cần linh hoạt để thích nghi với lũ. Thay đổi sang thích nghi với lũ là rất cần thiết để các thành phố trở nên an toàn trước các trận lũ. Thiết kế và quy hoạch đô thị đóng một vai trò không thể thiếu để hiện thực hóa việc chuyển đổi sang mô hình thích ứng với lũ. Tiếp theo, những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là biến TTST này thành hành động thực sự.

Nguyễn Văn Long – Ngô Thị Minh Thê/ ĐH. Nông Lâm TP.HCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2018)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Liao, K. H. (2012). A theory on urban resilience to floods—a basis for alternative planning practices. Ecology and society, 17(4).

2. Liao, K. H., T. A. Le and K. Van Nguyen (2016). “Urban design principles for flood resilience: Learning from the ecological wisdom of living with floods in the Vietnamese Mekong Delta.” Landscape and Urban Planning 155: 69-78.

3. Naess, A. (1973). The shallow and the deep, long-range ecology movement. A summary. Inquiry, 16(1-4), 95-100.

4. Naess, A. (1989). From ecology to ecosophy, from science to wisdom. World Futures: Journal of General Evolution, 27(2-4), 185-190.

5. Taleb, N. N. (2012). Antifragile: Things that gain from disorder (Vol. 3). Random House Incorporated.

6. Xiang, W. N. (2014). Doing real and permanent good in landscape and urban planning: Ecological wisdom for urban sustainability. Landscape and Urban Planning, (121), 65-69.

7. Xiang, W. N. (2016). Ecophronesis: The ecological practical wisdom for and from ecological practice. Landscape and Urban Planning, 155, 53-60.

8. Ryn, S. V. D., & Cowan, S. (1996). Ecological design. Washington: Island Press, sayfa, 121, 31.

9. McHarg, I. L., & Mumford, L. (1969). Design with nature. New York: American Museum of Natural History.