Từ mấy thập kỷ cuối thế kỷ 20 sang những năm đầu của thế kỷ 21, tiếng tăm của KTS Santiago Calatrava nổi bật không những ở quê hương Tây Ban Nha của ông mà còn ở nhiều nước khác nữa. Các tác phẩm của Calatrava rất gần với nghệ thuật điêu khắc và được liệt vào trường phái Tân biểu hiện trong kiến trúc.
Từ năm 1994 đến 2001, Bảo tàng Milwaukee được xây dựng ở Hoa Kỳ đã làm thế giới kinh ngạc về một công trình kiến trúc “động”. Trong thế kỷ trước đã có những công trình kiến trúc có hình dáng động, nhưng không thực sự cử động, ví dụ như khách sạn hình 4 ngọn lửa được xây dựng ở Dubai trên một hòn đảo nhân tạo, khách sạn thấp nhất là 50 tầng, cao nhất 90 tầng; Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha của Frank Gehry cũng có hình động như một vũ nữ nhảy điệu vũ dân gian Flamenco. Nhưng công trình bảo tàng Milwaukee thì “động” thật, ở đây có một hệ thống nan chớp chắn nắng được xòe ra và cụp vào theo yêu cầu chắn nắng của công trình vào những giờ có nắng trong ngày. Các hình sơ phác 1, 2, 3 xác định rõ ý đồ của KTS tạo nên hệ lam chống nắng rộng đặt trên công trình. Sơ phác 4 khẳng định hệ lam này như đôi cánh của một con chim khổng lồ. Hình 5 cho ta thấy hệ thống lam hình cánh chim đã được thực hiện đúng như những sơ phác. Đôi cánh vươn rộng ra 217’ tức khoảng 33m như ghi chú trên sơ phác hình 3, đôi cánh này có thể cụp vào theo động cơ điều khiển). Đây là một kiến trúc động đúng nghĩa của nó.
Từ năm 2001 đến 2005, Calatrava thực hiện một công trình chọc trời 45 tầng tại Thụy Điển, đó là Torso Tower. Sơ phác (hình 6) của ông lấy cảm hứng một mẫu tượng Hy Lạp, một thân thể đàn ông cường tráng đang vặn mình. Công trình (hình 7) chia thành 9 block vuông, mỗi block 5 tầng vặn theo chiều kim đồng hồ. Sau khi xây dựng xong, công trình Torso Tower (hay còn gọi là Turning Torso: vặn mình) trở thành biểu tượng mới của TP Malmo ở Thụy Điển.
Năm 2003, tại Santa Cruz de Tenerife ở Tây Ban Nha, Calatrava khánh thành thính phòng, còn gọi là Nhà hát Auditorio de Tenerife, đây là một công trình tạo hình ngoạn mục. Những sơ phác ban đầu (hình 8) cho ta thấy rõ ý đồ chính của tác giả là một mái như một chiếc lá lớn uốn cong che toàn bộ công trình. Tiếp đến là 2 sơ phác vẽ bóng để thể hiện rõ mảng miếng (hình 9) và hình phối cảnh. Hình 10 cho ta thấy mặt bên của công trình đúng hệt như sơ phác 10, là ảnh phối cảnh toàn bộ công trình.
Với thiết kế nhà ga đường sắt Lyon-Satolas ở Pháp, Calatrava thoạt tiên lấy ý tưởng từ con mắt người, những sơ phác nghiên cứu của ông (hình 11) đi từ con mắt đến hình ảnh mái nhà ga. Sau đó ông lại nghiên cứu sâu thêm, tham khảo thêm nhiều hình ảnh khác từ bộ xương khủng long, đến cá, đến chim, đến con mòng biển, cái cặp tóc… Cuối cùng sơ phác 12 cho ta thấy khối chính của nhà ga đã được xác định và sơ phác hình 13 cho thấy 2 cánh đã được vẽ kỹ cả cấu tạo. Hình 13, 14 là công trình đã được xây dựng xong.
Một lần nữa Calatrava lại lấy ý tưởng con mắt để sáng tác công trình L’Hémisferic xây dựng tại Valencia, Tây Ban Nha. Các sơ phác trên hình 15 cho ta thấy ý nghĩa của con mắt với lòng đen tròn ở giữa. Công trình nằm trên mặt nước cho nên bóng chiếu xuống nước của công trình làm cho con mắt hoàn chỉnh, công trình rất đẹp và lãng mạn (hình 16).
Từ năm 2010 đến 2015, Calatrava xây dựng Bảo tàng Ngày mai ở Rio de Janeiro (Braxin). Sơ phác cho ta thấy bảo tàng có hình như một cọng, trên đó có một chuỗi lá (chừng 10 cặp lá) tạo thành một mái gồm nhiều nan chớp. Công trình này cũng rất lãng mạn bay bổng (hình 17).
Thay lời kết
Vậy ta học được gì qua hình sơ phác của Calatrava:
1. Trước hết ý chủ đạo là quan trọng hơn cả:
- Cánh chim (Milwaukee);
- Chiếc lá uốn cong (Tenerife);
- Con mắt (Hemisferic);
- Cọng lá (Bảo tàng Ngày mai);
2. Tham khảo thêm nhiều hình ảnh gợi ý khác (hình 15);
3. Sơ phác nhiều khía cạnh: Mặt trước, sau, bên, phối cảnh.
PGS.TS.KTS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)