Vai trò của gắn kết cộng đồng trong bảo tồn di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa

Cổng ngăn cách Xưởng thủ công (phường sản xuất)-1875

Gắn kết cộng đồng – Những vấn đề chung

Gắn kết cộng đồng là một khái niệm có nội dung khá tương đồng với những khái niệm về sự cảm nhận giá trị của địa điểm và nơi chốn cùng với những mối quan hệ xã hội tại đó của mỗi cá nhân, như: Ý thức về nơi chốn (sense of place), ý thức về cộng đồng (sense of community), ý thức về sự gắn bó/tình cảm gắn bó (sense of attachment), cảm giác nơi chốn (place-feelings), sự gắn bó với nơi mình sinh sống (neighbourhood attachment)…

Hoạt động sản xuất – tại Phố Cầu Gỗ, thế kỷ 17
Chợ Cửa Đông

Trong các khái niệm tương đồng và liên quan trên, sự kết hợp của “ý thức cộng đồng” (sense of community) và “ý thức nơi chốn” (sense of place) thể hiện toàn bộ nội dung cơ bản của khái niệm về sự gắn kết cộng đồng (community cohesion). Trong đó, ý thức cộng đồng (sense of community) nói đến cách mỗi cá nhân cảm nhận về môi trường xã hội nơi mình sống và nhận thức mình là một phần của môi trường đó. Sarason (1976) cho rằng: Ý thức cộng đồng liên quan đến nhận thức, về trách nhiệm và mục đích gắn bó của cá nhân đối với nơi họ sinh sống – Đó là cảm giác trở thành một phần của một nhóm, gắn bó, phụ thuộc và đóng góp cho nhóm đó. Nhận thức xã hội chính là một phần của nhận thức bản thân và nó bắt nguồn từ hiểu biết của cá nhân với các thành viên khác trong nhóm xã hội, chung những giá trị và cảm xúc những người có [Tajfel,1981]. Trong sự tìm kiếm nhận thức bản thân hoặc sự khẳng định bản thân, mọi cá nhân “tự xếp loại mình” vào nhóm mà họ cảm nhận được cảm giác “thuộc về” nhóm người đó [Turner,1986]; Ý thức về nơi chốn (Sense of place) có thể được hiểu là tập hợp nhận thức về ý nghĩa, niềm tin, biểu tượng, giá trị và cảm xúc mà cá nhân (hoặc nhóm cộng đồng) gắn với một địa điểm cụ thể [Williams and Stewart, 1998]. Ý thức về nơi chốn diễn tả “mối quan hệ xúc cảm với vị trí, những cách thức trải nghiệm và cảm nhận được biết đến, được tưởng tượng, được khao khát, được gìn giữ, được nhớ đến, được nói lên, được sống, được tranh luận, được đấu tranh và rất nhiều hình ảnh hoán dụ, ẩn dụ gắn liền với bản sắc [Feld and Basso, 1996]. Nói cách khác, không gian (space) sẽ trở thành nơi chốn (place) nếu không gian đó có thể truyền tải được ý nghĩa nào đó trong nhận thức của cộng đồng”.

Không gian tín ngưỡng, thực hành văn hóa

Sự gắn kết cộng đồng (community cohesion), rộng hơn là sự gắn kết xã hội, đề cập đến cơ hội gắn kết giữa các thành viên (mạng lưới gắn kết) và cả cảm giác “thuộc về”. Điều này giúp con người phát triển mạng lưới xã hội với những người khác, thúc đẩy niềm tự hào và hiểu biết đối với khu vực, xác định những mối quan tâm chung, mục tiêu chung và hành động chung để nâng cao sự tự tin.

Theo dòng lịch sử, gắn kết cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc cùng nhau chống lại thiên tai, chiến tranh và xây dựng sức mạnh tổng hợp. Trong lịch sử Việt Nam, gắn kết cộng đồng được thể hiện rất mạnh mẽ trong “đơn vị ở” làng xã. Ở đó, sự chia sẻ, sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên đã được xây dựng, phát triển, duy trì và trở thành nguyên tắc cơ bản để cùng nhau xây dựng một làng tự trị với quyền lực nội bộ còn cao hơn cả chính quyền trung ương “phép vua thua lệ làng”.

Những nội dung gắn kết cộng đồng tại Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa

Ngày nay, trong bối cảnh phát triển của Hà Nội, đặc biệt, quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh đã khiến sự gắn kết cộng đồng bị ảnh hưởng, không còn được quan tâm, duy trì, bảo lưu mạnh mẽ như trước. Nhiều làng xã đã chuyển đổi từ chỗ là những làng “tự trị” (với việc duy trì quan hệ huyết thống, họ tộc làm cơ sở của quan hệ cộng đồng) thành những khu vực ở thuận tiện, “đón nhận” và “mở cửa” cho sự xâm nhập của cộng đồng khác. Các luồng di cư, nhập cư, chuyển cư của đô thị đã làm xáo trộn sự đồng nhất, thay đổi các mối quan hệ sản xuất cơ bản và đưa vào yếu tố những văn hóa ngoại lai. Đó là bước khởi đầu ảnh hưởng đến sự gắn kết cộng đồng. Bên cạnh gắn kết cộng đồng truyền thống, những hình thức gắn kết cộng đồng mới xuất hiện đang có ảnh hưởng nhất định đến công tác bảo tồn di sản.

Thực trạng lỏng lẻo trong sự gắn kết cộng đồng tại Hà Nội có những nguyên nhân sau:

  • Các thực hành văn hóa truyền thống, các không gian di sản văn hóa kiến trúc đô thị, cơ hội để tạo ra sự kết nối cộng đồng truyền thống đối với các di sản đang bị mai một, thậm chí bị cạnh tranh với các văn hóa mới;
  • Sự thay thế dần mối quan hệ kinh tế truyền thống, dựa trên nghề truyền thống bằng mối quan hệ kinh tế mới, dựa trên sản phẩm mang tính thị trường (sau Đổi mới) đã dần phá vỡ các cộng đồng trước đây;
  • Nhu cầu xây dựng phát triển đô thị mạnh mẽ đã chia cắt nhiều không gian đô thị (làng xóm) trước đó;
  • Sự gia nhập của các Làng vào đô thị hầu như không được quy hoạch trước, không có sự kết nối với hệ thống hạ tầng của đô thị nên tạo nhiều áp lực lên cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng địa phương cũng như không gian sinh hoạt văn hóa kết nối cộng đồng trước đó;
  • Các luồng di cư, nhập cư, chuyển cư thường xuyên trong thành phố, giữa các khu vực đô thị và từ các vùng ven, khu vực lân cận vào đã tạo ra sự xáo trộn về dân số và bản chất dân cư của đô thị [Nguyễn Thừa Hỷ, 2015]. Những người mới đến (nhập cư) thường quan tâm đến cơ hội sinh kế, phát triển bản thân hơn là có ý thức gắn bó với khu vực. Họ cũng gặp khó khăn trong tiếp xúc và hình thành mối quan hệ lâu dài với những người dân bản địa. Ngược lại, người dân bản địa có thể có sự “cẩn trọng, dò xét” với những người mới đến. Các định kiến cũng có thể là một rào cản cho sự “gia nhập” của những người mới;
  • Đô thị hóa, toàn cầu hóa đã đồng nhất nhiều nền văn hóa, cho phép du nhập văn hóa đô thị mới. Lối sống hiện đại với xu hướng tôn vinh cá nhân hơn phát triển tính tập thể đã tạo ra sự xa cách, ít gắn bó hơn giữa cá nhân và tập thể cũng như với khu vực họ đang sinh sống;
  • Các công trình văn hóa tại Hà Nội hiện nay đang được khai thác tập trung vào chức năng chuyên môn nhiều hơn tạo ra những không gian gắn kết cộng đồng (ví dụ: Nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng không có những không gian dành cho cộng đồng);
  • Không gian cộng đồng ít được quan tâm phát triển, thậm chí còn bị lấn chiếm, chiếm dụng. Khu vực Phố Cổ Hà Nội là khu vực ghi nhận nhiều nhất sự lấn chiếm của người dân đối với không gian di sản và các không gian công cộng.
Động lực tham gia bảo tồn di sản của cộng đồng tại khu vực Phố Cổ và khu vực làng đô thị hóa Võng Thị. Nguồn: Đào Thị Như, 2017

Mối quan hệ giữa gắn kết cộng đồng với hoạt động bảo vệ di sản

Di sản kiến trúc đô thị luôn là sản phẩm được xây dựng, sáng tạo và gìn giữ của một cộng đồng. Các giá trị vật thể của di sản chính là một phương thức biểu hiện của đời sống tinh thần và nhu cầu gắn kết xã hội của người dân tại địa phương. Giá trị văn hóa xã hội của khu vực (cộng đồng) được phản ánh trong di sản địa phương góp phần tạo ra giá trị khác biệt, bản sắc riêng cho mỗi di sản.

Hương ước làng (sau này, ở khu vực 36 Phố phường, là hương ước phố) là văn bản quy định chặt chẽ thái độ ứng xử, vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng đối với các công việc chung và di sản của làng đã trở thành truyền thống chi phối và ảnh hưởng lên cách cộng đồng tham gia bảo tồn di sản. Ở những làng truyền thống, hoạt động bảo tồn di sản của làng luôn sôi nổi, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương hơn là hoạt động bảo tồn di sản ở khu vực đã đô thị hóa.

Để nhận diện mối quan hệ giữa gắn kết cộng đồng và hoạt động bảo tồn di sản trong bối cảnh địa phương, tác giả đã tiến hành nghiên cứu và điều tra xã hội học từ năm 2015-2016. Khu vực khảo sát được lựa chọn là hai khu vực có đặc trưng rõ ràng về tính cộng đồng và đại diện cho sự ảnh hưởng khác nhau của quá trình đô thị hóa diễn ra tại Hà Nội: Khu phố Cổ (KPC) Hà Nội và làng Võng Thị – một làng đô thị hóa ven hồ Tây – Hà Nội. Trong khi KPC là trung tâm nội đô lịch sử của thành phố, khu vực đại diện cho quá trình đô thị hóa lâu dài, làng Võng thị ven Hồ Tây đại diện cho một đang trong quá trình đô thị hóa và thuộc trung tâm phát triển. Về mặt cộng đồng: KPC có hiện trạng gắn kết cộng đồng khá lỏng lẻo do sự thay đổi của mối quan hệ sản xuất và hiện trạng phát triển kinh tế tư nhân với các ngành nghề mới; làng Võng Thị mặc dù đã có nhiều thay đổi về không gian cảnh quan kiến trúc làng nhưng vẫn còn bảo lưu được khá toàn vẹn tính cố kết cộng đồng (theo kết quả khảo sát, người dân cho biết: Khu vực này còn có số lượng lớn những người làng gốc, giữ được các mối quan hệ cộng đồng truyền thống và mối quan hệ này vẫn còn có sự ảnh hưởng nhất định đến đời sống của các thành viên (sống tại chỗ hoặc đã di chuyển). Quá trình khảo sát được thực hiện bằng phương pháp điều tra xã hội học, sử dụng bảng câu hỏi và phỏng vấn sâu. Người trả lời câu hỏi được lựa chọn trên nguyên tắc ngẫu nhiên hệ thống.

Kết quả khảo sát về động lực tham gia bảo tồn di sản của cộng đồng địa phương tại hai khu vực cho thấy. Theo đó, ý thức và tình cảm đối với khu vực có ảnh hưởng rất lớn đến sự tham gia của người dân, đặc biệt là trong khu vực làng còn lưu giữ được sự gắn kết mạnh mẽ. Trong khi đó, với người dân phố cổ – nơi quá trình đô thị hóa đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể bản chất dân cư tại đây, sự quan tâm của cộng đồng đối với di sản của khu vực chịu sự chi phối nhiều hơn bởi ý thức được “hưởng lợi” từ dự án bảo tồn.

Xu hướng, tiềm năng bảo tồn di sản thông qua sự cố kết cộng đồng tại Hà Nội

Có thể thấy, sự gắn kết cộng đồng truyền thống của Hà Nội trong bối cảnh phát triển như hiện nay đang bị đe dọa. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong khi sự cố kết cộng đồng theo kiểu truyền thống đang có sự thay đổi và suy giảm, các hình thức cố kết mới cũng đã và đang được hình thành. Sự cố kết mới không phải từ những người cùng sống trong một khu vực mà từ những cộng đồng ở những khu vực khác nhau cùng chia sẻ các mối quan tâm giống nhau đến di sản. Đây là thực tế đang xảy ra ở KPC, tạo nên nét văn hóa rất riêng biệt và hấp dẫn cho khu vực này. Một cộng đồng mới đã và đang được hình thành từ chính những người khách du lịch đến trải nghiệm các hoạt động cuối tuần tại đây. Họ không chỉ thưởng thức giá trị di sản địa phương mà còn góp phần chia sẻ văn hóa và tạo ra bầu không khí văn hóa sống động đa dạng, hấp dẫn. Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy các nhóm cộng đồng khác đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn di sản đô thị nói chung tại Hà Nội như: Nhóm các nhà đầu tư, nhóm cộng đồng các nhà quản lý, nhóm các nhà chuyên môn, nhóm các nghệ sĩ – nghệ nhân…

Có thể nói, các nhóm cộng đồng mới này đang phát huy những vai trò tích cực cũng như tiêu cực của họ, và là nhân tố có vai trò quan trọng trong xu hướng chung về bảo tồn di sản. Tuy nhiên, sự gắn kết cộng đồng từ những thành viên không cùng chia sẻ khu vực và bối cảnh sinh sống có những đặc điểm rất khác so với sự gắn kết cộng đồng truyền thống (những người đã có thời gian sống lâu dài tại cùng một khu vực, gắn bó lẫn nhau và chia sẻ những nhận thức chung về văn hóa). Những tác động của cộng đồng truyền thống đối với di sản gắn liền với “sợi dây kết nối vô hình”, liên quan đến “tiềm thức âm thầm” như những mạch ngầm nhưng tác động vô hạn và mạnh mẽ, những cảm nhận, cảm giác “thân thuộc, thuộc về” hết sức tự nhiên. Sự liên hệ này cũng không tách khỏi bối cảnh văn hóa kinh tế xã hội của địa phương. Cộng đồng “mới” gắn kết nhau bởi họ ý thức về giá trị của di sản và khu vực. Khi sự nhận thức này được nâng cao (nhờ vào tuyên truyền, quảng bá, tự trải nghiệm, tự nhận thức, tự giác ngộ) và được kết nối với nhau, nó có khả năng tạo ra những cộng đồng rộng lớn và có sức mạnh nhất định. Tuy nhiên, khi những nhận thức này được tạo ra từ những luồng thông tin thiếu chính xác có thể tạo ra những cộng đồng gắn kết thiếu hiểu biết và không hoàn chỉnh. Sự ảnh hưởng của cộng đồng mới đôi khi rất mạnh mẽ và sẽ tác động đến di sản theo một cách rất khác so với những cộng đồng truyền thống. Ví dụ, cộng đồng mới ủng hộ cho những giá trị mang tính xã hội đương đại, với việc tạo ra các trải nghiệm sáng tạo và thực dụng hơn, trong khi những cộng đồng truyền thống thường sẽ có một sự “hoài niệm” khá cứng nhắc về những giá trị đã ghi vào “tiềm thức” của mình.

Kết luận

Trong một xã hội được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các phương tiện kết nối thông minh, việc gắn kết và hình thành những cộng đồng mới trở nên đơn giản và thuận tiện, đặc biệt là cộng đồng trên mạng xã hội. Những cộng đồng này có thế mạnh là có thể kết nối rất đa dạng và tích hợp được nhiều nguồn thông tin đa chiều, nhưng nhược điểm của những cộng đồng này đó là thiếu “dòng chảy tiềm thức” về di sản do họ không được thực sự sống, trải nghiệm, cảm nhận, ảnh hưởng bởi di sản trong bối cảnh sản sinh ra nó. Tuy nhiên, càng ngày, cộng đồng này càng chứng tỏ vai trò của mình trong việc có những hành động kịp thời và tích cực để bảo vệ di sản.

Quá trình đô thị hóa đã tác động làm mai một các cộng đồng truyền thống. Việc xây dựng, củng cố lại sức mạnh của các cộng đồng vẫn rất quan trọng vì họ mới chính là người tạo nên và duy trì bản sắc văn hóa của khu vực và đô thị mình đang sống.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách, hành động khuyến khích sự gắn kết cộng đồng trong khu vực ở của họ, đặc biệt ở khu vực có di sản, gắn kết các nhóm cộng đồng mới thông qua các không gian dành cho cộng đồng, các hoạt động văn hóa, thực hành văn hóa truyền thống kết hợp hiện đại, tổ chức ngày hàng xóm, ngày di sản, phát triển văn hóa đô thị, bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị sẽ góp phần tạo ra và kích hoạt hiệu quả các nguồn lực này. Xây dựng cộng đồng gắn kết trong đô thị hoàn toàn phù hợp với xu hướng bảo tồn di sản đương đại, hướng đến bảo tồn bối cảnh và các giá trị xã hội gắn bó với di sản. Bảo tồn các công trình lịch sử không chỉ cần tập trung vào những giá trị lịch sử, kiến trúc đi kèm, mà còn cần bảo tồn giá trị xã hội để tạo nên một tổng thể thống nhất [Yung et Chan, 2013].

Tài liệu tham khảo:

1. Ahmed M. Salah ouf, 2001, Authenticity and the sense of place in urban design, Journal of Urban design, vol.6, No.1, 73-86

2. Community culture and the environment, a guide to understanding a sense of place, 2002, U.S.EPA (EPA 842-B-01-003), Office of Policy and the Office of water, Washington, DC. 280p

3. DCMS, 2002, People and places: social inclusion policy for the built and historic environment. Department of Culture, Media and Sport: London

4. Đào Thị Như, 2017, Urbanisation and Urban architectural heritage preservation in Hanoi: the community participation?, Luận án tiến sĩ, Trường đại học Pantheon-Sorbonne Paris 1, Paris.

5. English Heritage, 2005, Regeneration and the historic environment Heritage as a catalyst for better social and economic regeneration. (2000). Power of Place, Chapter 2 Conservation-led renewal: unlocking the value. Available from http://www.english-heritage.org.uk/publications/power-of-place/, accessed on 1 Sept.2012

6. Nguyễn Thừa Hỷ, 2015, Một góc nhìn lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam [A perspective on Vietnamese history, culture and people]. Hà Nội : Nhà Xuất Bản thông tin và truyền thông.

7. Yung E.H.K., Chan E.H.W, 2013, Formulating social indicators of revitalizing historic buildings in urban renewal: towards a research agenda.

TS. Đào Thị Như

Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2018)