Vai trò của tỉnh Long An trong Quy hoạch vùng TP HCM

Cảnh quan đô thị Long An (ảnh: Lâm Chiêu)

Để phân tích được đầy đủ vai trò của tỉnh Long An trong Quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), không thể không nhắc đến việc tỉnh Long An là một trong những Tỉnh-Thành phố đặc biệt nhất trên cả nước khi tham gia và đóng vai trò quan trọng trong 3 vùng kinh tế – xã hội khác nhau. Ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong Vùng TP HCM, tỉnh Long An còn tham gia trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Định hướng quy hoạch xây dựng Vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Chính việc tham gia vào cả 3 vùng kinh tế – xã hội này đã cho chúng ta nhận thấy rõ được vai trò, vị trí của tỉnh Long An trên bản đồ phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Tỉnh Long An trong Quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh

Theo “Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng Vùng TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050” do Bộ Xây dựng thực hiện năm 2013 đã đề cập những nội dung Đề án Quy hoạch vùng TP HCM với hiệu quả và những bất cập cần bổ sung điều chỉnh đối với quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng vùng và chuẩn bị cho việc điều chỉnh hiện đang được thực hiện.

Vùng TP HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404 km2, bán kính ảnh hưởng từ 150 – 200 km.

Nghị quyết số 53-NQ/T.Ư ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng TP HCM).

“…Vùng TP HCM là vùng kinh tế phát triển nhất Việt Nam, dân số đông và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố xã hội khác: chiếm gần 60% thu ngân sách, trên 70% kim ngạch xuất khẩu. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ (gồm 6/8 tỉnh thuộc Vùng TP HCM) phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 9,5%-10%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt tương đương 4.600 USD và năm 2020 đạt 6.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 97-98% trong tổng số GDP của vùng năm 2020, trong đó dịch vụ chiếm trên 44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90% vào năm 2020. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất và xã hội chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế và khu vực Đông Nam Á…”

1

2

3

4

Đọc những đánh giá này ai cũng rất mừng và tự hào về sự phát triển của cả Vùng trong thời gian qua, song chúng ta hãy thử phân tích xem trong các chỉ tiêu đáng ghi nhận đó thì vai trò của thực tế và những kết quả cụ thể của liên kết vùng đem lại cho các Tỉnh-Thành phố ra sao? Cụ thể là đối với tỉnh Long An?

Thực ra, ngay từ khi nghiên cứu đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An được xác định nằm trong các vùng này vì là một trong những tỉnh có ranh giới hành chính trên bộ dài nhất, giáp với TP HCM cùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Trong Vùng này, về mặt lý thuyết, TP HCM đóng vai trò là trung tâm hạt nhân, là động lực phát triển không những đối với các Tỉnh-Thành phố trong vùng mà còn có sức lan tỏa rất lớn đối với các vùng kế cận.Theo phân tích-đánh giá một cách khoa học thì vai trò của tỉnh Long An trong Vùng TP HCM là rất quan trọng vì với diện tích tự nhiên là 4493,8 km2 (lớn hơn gấp đôi so với TP HCM), dân số gần 1,5 triệu người cộng với một số điều kiện khá thuận lợi khác về phát triển công nghiệp, nông nghiệp…thì nếu công tác điều phối vùng thực sự vận hành như mong muốn, nếu các Tỉnh -Thành phố trong vùng đều thấy được hiệu quả và trách nhiệm của mình trong vùng liên kết này và tham gia liên kết một cách “tự nguyện”, thì tỉnh Long An ngày hôm nay còn tiến xa, tiến mạnh hơn nữa trên con đường phát triển của một vùng kinh tế – xã hội lớn nhất cả nước.

Tại Việt Nam hiện nay, do những mong muốn chủ quan muốn đốt cháy giai đoạn để phát triển bằng mọi giá, liên kết vùng chủ yếu nhằm đến các mục tiêu kinh tế mà về bản chất là liên kết giữa các ngành kinh tế mang tính hợp tác bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư nhằm mục đích tăng cường sức hút đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Trên thực tế, chúng ta nói như vậy, mong muốn như vậy nhưng lại làm khác. Tự chúng ta đề xuất lập ra một vùng để cùng hợp tác, bổ sung và hỗ trợ nhau để cùng phát triển nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới, nhưng chúng tôi có cảm giác sau khi vùng hình thành thì mỗi Tỉnh-Thành phố chúng ta lại “rào dậu” kỹ hơn biên giới hành chính của mình, thậm chí còn “nhìn ngó”, “khó chịu” với sự phát triển của tỉnh bạn. Có khá nhiều vụ việc có thể nêu lên làm ví dụ như: Khi có thành phố trong vùng loay hoay tìm đất trống cho một vài nhà đầu tư nước ngoài tuy quỹ đất đã cạn kiệt, xong “kiên quyết” giữ chân nhà đầu tư mà không giới thiệu cho tỉnh bạn đang có quỹ đất trải thảm đỏ chờ đợi đầu tư. Thậm chí còn đề xuất chậm triển khai một tuyến đường chính trong vùng để mình mình “hưởng lợi”….

Định hướng phát triển của Long An trong vùng TP HCM
Định hướng phát triển của Long An trong vùng TP HCM

Qua nghiên cứu, chúng tôi được biết tỉnh Long An với một đội ngũ cán bộ rất tâm huyết và dầy dạn kinh nghiệm, thời gian qua đã rất nỗ lực thúc đẩy liên kết vùng nhưng hiệu quả không cao vì các Tỉnh-Thành phố xung quanh thay vì phát huy “vai trò phụ thuộc lẫn nhau”, hay gọi là “cộng sinh” giữa các nhóm ngành nghề, doanh nghiệp trong vùng, thì lại thiếu đi sự hợp tác cần thiết. Không biết có phải vì vai trò của vùng quá mờ nhạt mà trong QĐ số 4666/QĐ-UBND tỉnh Long An ngày 30 – 12 – 2013 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không hề thấy nhắc tới căn cứ pháp lý về đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM….

Trong một đề tài nghiên cứu do chúng tôi đang thực hiện, qua nghiên cứu đánh giá SWOT theo mục tiêu đối với thực trạng liên kết giữa các tỉnh có thể nhận thấy:

Về cơ chế điều phối triển khai Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM trên cơ sở đánh giá các bài học kinh nghiệm trên thế giới về các mô hình liên kết vùng, có thể đúc kết như sau:

– Thực tiễn liên kết tại Vùng TPHCM bộc lộ nhiều hạn chế về mối quan hệ liên kết Vùng;

– Liên kết vùng từ trước đến nay vẫn theo mô hình cạnh tranh tự do được các nước phát triển áp dụng, rộng rãi nhất là Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ trước, đứng trước các thách thức về hội nhập cũng như hạn chế về cơ chế, chính sách tại nước ta, việc lựa chọn mô hình điều phối liên kết vùng này đã không còn phù hợp và yêu cầu cần áp dụng mô hình triển khai điều phối vùng hiệu quả hơn;

– Trong khi đó, mô hình quản trị vùng được triển khai điểm mạnh về tính linh hoạt, chủ động và tự nguyện liên kết giữa các cấp chính quyền địa phương ngang hàng, dựa trên các văn bản ký kết, hợp tác, các mục tiêu và lợi ích chung được nghiên cứu cam kết ưu tiên thực hiện giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề được các tỉnh trong vùng đặt ra.

Vì vậy, việc cần nghiên cứu lựa chọn mô hình quản trị vùng là phù hợp với khung thể chế pháp lý, mô hình kinh tế và mang tính linh hoạt, tự nguyện trong liên kết hàng ngang giữa các tỉnh trong vùng.

Định hướng phát triển của Long An trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Định hướng phát triển của Long An trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Về vai trò của liên kết giữa các tỉnh thành trong Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế khi được triển khai thực thi, bao gồm các vấn đề:

– Thiếu mối liên hệ chặt chẽ các quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ giữa cấp độ địa phương và cấp độ vùng.

– Thiếu các thỏa thuận cơ bản giữa các địa phương trong công tác điều phối vùng.

– Thiếu sự phối hợp quy hoạch giữa các Tỉnh-Thành phố.

– Thiếu sự phối hợp trong việc hình thành các chính sách thu hút và phân bổ đầu tư.

– Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều phối vùng.

– Tư tưởng cục bộ địa phương của các địa phương trong vùng.

– Nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức mạnh cạnh tranh.

– Thiếu sự phân công chuyên môn hóa trong phát triển các ngành kinh tế;

– Sự chậm trễ dẫn đến việc không thực hiện các chương trình hợp tác đã được ký kết giữa các tỉnh thành;

– Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trực thuộc các Bộ ngành đóng tại địa phương và các doanh nghiệp trực thuộc các tỉnh thành trong vùng.

Nguyên nhân của những khó khăn nêu trên:

– Phần lớn các tỉnh thành trong vùng đều muốn thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp để nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng chưa tính đến thị trường tiêu thụ và khả năng tiêu thụ của sản phẩm.

– Các tỉnh thành trong vùng chưa có sự hợp tác cụ thể với nhau trong việc đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật (nhất là trong lĩnh vực giao thông và bảo vệ môi trường).

– Việc tiếp cận, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và các sở ngành của các tỉnh thành trong vùng chưa tốt.

– Chưa có sự thống nhất cao giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong việc thực hiện một số dự án, gây ra chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, và do đó, làm chậm tiến độ chung của dự án.

– Việc triển khai thực hiện Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa các Bộ ngành và địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm chưa đạt hiệu quả cao.

Bài học về phát triển quy hoạch Vùng duyên hải Miền Trung cho ta nhiều tổng kết kinh nghiệm quý báu

Vùng duyên hải Miền Trung bao gồm 7 tỉnh thành hình thành trên cơ sở tự nguyện. Xuất phát từ nhu cầu ban đầu là phát triển kinh tế hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa dựa trên tiềm năng về “lợi thế tĩnh”, các tỉnh cần chủ động hơn trong việc tạo ra “lợi thế động” để tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn trong thực hiện chính sách ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư.

Nhu cầu phát triển kinh tế địa phương của các tỉnh trong vùng đã hình thành nên liên kết phát triển vùng, từ đó, dẫn đến nhu cầu hợp tác trên các lĩnh vực chung trong vùng, cụ thể như sau:

– Phân bố lực lượng sản xuất và điều chỉnh quy hoạch giao thông;

– Đồng bộ giao thông liên tỉnh;

– Không gian kinh tế vùng du lịch;

– Đào tạo nguồn nhân lực;

– Huy động đầu tư vốn và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển chung của vùng;

– Xúc tiến đầu tư thương mại – du lịch toàn vùng, Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng;

– Xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế – xã hội đầu tư trên địa bàn;

– Hợp tác bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

Đối với các nguyên nhân và tính cấp thiết, khách quan của việc liên kết vùng, ta có thể thấy, việc hình thành liên kết vùng (bao gồm bộ máy và cơ chế điều phối vùng) trên nhiều lĩnh vực, trong đó, quan trọng hơn hết vẫn là quy hoạch xây dựng vùng (vốn được xem là “khung xương” của liên kết vùng và các quy hoạch ngành khác – được xem là “máu thịt” của vùng) là một xu thế tất yếu, khách quan của hầu hết các vùng kinh tế, vùng đại đô thị và đô thị trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay. Đối với vùng duyên hải Miền Trung nói riêng và các vùng đô thị khác của Việt Nam, việc hình thành một bộ máy điều phối Vùng là hết sức cần thiết.

Từ bài học kinh nghiệm hợp tác phát triển Vùng duyên hải Miền Trung chúng ta quay trở lại với định hướng phát triển của tỉnh Long An trong các mối quan hệ Vùng.

Định hướng phát triển của tỉnh Long An với vị thế và những nguồn lực mới

Tỉnh Long An cần phát huy vai trò trọng tâm của cả 3 vùng kinh tế-xã hội quan trong để chủ động tạo “Một vùng phát triển” mới trên cơ sở “tự nguyên và tự giác”

Trong tình hình như hiện nay, khi các liên kết vùng đang có phần “áp đặt” từ trên xuống, tỉnh Long An với vị trí quan trọng của mỉnh cần chủ động nghiên cứu mô hình liên kết-hợp tác của Vùng duyên hải Miền Trung.

Mô hình liên kết vùng này sẽ được hình thành trên cơ sở tỉnh Long An và một số tỉnh xung quanh, xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa dựa trên tiềm năng về “lợi thế tĩnh”, khi đó các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tạo ra “lợi thế động” để tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn trong thực hiện chính sách ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư phát triển. Nói như vậy không phải chúng ta quay lưng lại với 3 vùng đã được xác định, mà chúng ta càng có điều kiện để phát huy thêm các lợi thế cần có giúp các tỉnh tham gia vùng liên kết mang tính “tự nguyện” này phát triển mạnh hơn, nhanh hơn. Thực vậy, các quy hoạch vùng hiện nay mới chỉ phát huy được vai trò là hình thành được bộ “khung cứng” của hệ thống hạ tầng chính (các trục đường giao thông) mà nguồn vốn đầu tư từ Trung ương. Còn lại hầu như các tiêu chí để hình thành mạng lưới liên kết vùng trên các lĩnh vực phát triển đô thị như: giao thông, nhà ở, không gian đô thị, bảo vệ môi trường… đều chưa vận hành. Đó là chưa xem xét ở góc độ thiếu sự phân công chuyên môn hóa trong phát triển các ngành kinh tế mang tính liên vùng dựa trên cơ sở phân công nguồn lao động và lợi thế so sánh giữa các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển thương mại-dịch vụ.

Định hướng phát triển của Long An là trung tâm của cả 3 vùng
Định hướng phát triển của Long An là trung tâm của cả 3 vùng

Phát triển những nguồn lực tiềm năng

Tỉnh Long An có rất nhiều nguồn lực tiềm năng về mọi mặt từ nông nghiệp, công nghiệp… nhưng điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nguồn lực đất đai và nguồn nhân lực.

So với các tỉnh trong cả 3 vùng thì Long An có nhiều khả năng phát triển nền kinh tế trí thức nhất chỉ sau TP HCM. Có nhiều dịp được làm công tác đào tạo chuyên ngành và làm các đề án, dự án với Tỉnh, chúng tôi đã được tiếp xúc với các cán bộ, các nhà chuyên môn và luôn nhận thấy họ rất vững về chuyên môn và nghiệp vụ. Trong nền kinh tế trí thức thì đây là “nền tảng” bền vững quan trọng nhất. Tỉnh Long An nên chú trọng đầu tư vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về nguồn lực đất đai, Tỉnh nên tính toán cân nhắc rất kỹ khi đưa vào khai thác. TP HCM nằm sát bên đã cạn kiệt nguồn lực này (do tại nhiều thời điểm sử dụng quá “lãng phí” dẫn tới bị nhiều dự án treo mà quỹ đất lại cạn kiệt). Với diện tích đất tự nhiên hơn gấp đôi so với TP HCM, nguồn lực đất đai của tỉnh Long An đang thực sự trở thành “một mỏ vàng” nếu được nghiên cứu khai thác hợp lý.

Hiện nay cả nước đang tập trung cho “tái cấu trúc” kinh tế. Song theo chúng tôi nghiên cứu, tỉnh Long An chỉ có thể thực hiện được chủ trương này nếu chủ động tạo “Một vùng phát triển” mới trên cơ sở “tự nguyện và tự giác”.

Tài liệu tham khảo:

– Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM – Bộ Xây dựng

– Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Bộ Xây dựng

– Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Campuchia (từ Bình Phước tới Kiên Giang) – Bộ Xây dựng

PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2015