Từ xa xưa, nơi đầu ghềnh sông Hồng này đã là nơi sinh sống của dân chài lưới tứ phương. Xuất phát từ thôn Ðại Thần (xã Ðồng Tháp, Ðan Phượng, Hà Ðông cũ), dần sáp nhập với làng Ðịch Vĩ (xã Phương Ðình, Ðan Phượng) và xã Trung Châu, trở thành làng chài Vạn Vĩ ngày nay.
Ðời cha truyền, đời con nối, cho đến giờ cuộc sống của những người dân vẫn gắn chặt với nghề chài lưới và vẫn còn nhiều hộ khát khao với ước mơ giản đơn là nhận được sự hỗ trợ để có thể mảnh đất, kiếm được đồng tiền dựng một mái nhà trên bờ cho con cái mai sau bớt phần vất vả, sống có chỗ ở – chết có chỗ chôn.
Giấc mơ thì bình dị, cuộc sống thì khó khăn nhưng nơi đây lại sở hữu những lễ hội sắc màu, độc đáo như: Lễ hội xuống lưới (20-22 / 2 âm lịch), Lễ hội tiệc cá chung (25 / 2 âm lịch: mọi ngư dân đều phải để lại con cá lớn nhất trong ngày để chọn cúng Hà Bá linh thần) và đặc biệt là Lễ hội rước nước trên sông thường tổ chức đêm mùng 9 sang ngày mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội rước nước đêm được tổ chức vào giờ Tý ngày Mười Hai tháng Giêng âm lịch thực sự mang lại cho người xem một cảm nhận về một bữa tiệc của ánh sáng và cảm xúc.
Hàng năm một bình nước quý và một mâm cát sạch được lọc, chọn để thay tại đình. Từ 13h chiều, đoàn thuyền Rồng gồm 1 phà lớn và 50 thuyền nhỏ xuất phát từ bến đình làng Vạn Vỹ, di chuyển ngược lên miếu Đình Nguyên (Mê Linh) làm lễ lấy nước trên sông. Khi nhận được nước đem về, đoàn Thuyền rồng xoáy quanh thuyền Rồng, quay – quẫy 3 vòng rồi mới quay về Đình. Múa rồng để nghênh đón, các hoạt động văn hóa, biểu diễn văn nghệ được diễn ra cho đến giờ Tý – thời khắc chuyển giao ngày Mười Hai và Mười Ba thì Lễ rước nước trên sông được khởi hành.
Các Cụ bô lão tham gia chủ tế và đoàn tế. Các nam thanh khỏe mạnh được lựa chọn rước kiệu, hương án từ đình ra thuyền Rồng và ngược lại.
Thuyền chủ đi đầu là đầu Rồng, các thuyền, đò đi sau thành thân Rồng. Thuyền chủ tế rực ánh sáng rõ sắc màu của cờ, trang phục đoàn tế rước và âm thanh của chiêng trống. 50 thuyền đò theo sau với cờ và đuốc, tiếng hò reo… không khí; ánh sáng, màu sắc và âm thanh tạo lên một hình ảnh của Rồng thiêng quẫy nước ra biển lớn, của hào khí các nghĩa quân Yết Kiêu thời nào, dựng nên khí phách và trang sử hào hùng thời mở và giữ nước Việt xưa.
Khoảng 2 tiếng thì đến Thanh Điệp – Mê Linh. Đoàn dừng lại làm lễ, các thuyền ngắt tiếng máy. Cát từ mâm được đưa và các lư hương. Chủ lễ múc từng gáo nước thiêng giữa dòng, nghiêng vào bình thiêng. Lễ được bắt đầu với bài tế cầu mong cho đất nước bình yên, cho Vạn Vỹ khấm khá hơn, đỡ vất vả hơn trong năm tới. Tuyệt nhiên không nghe thấy một câu khấn thật giàu hay thăng quan tiến chức mà tai vẫn thường nghe thấy tại những nơi mọi người sì sụp cầu khấn thần linh. Vạn Vỹ bình dị trong cả lời khấn cầu. Cầu mong thần linh phù hộ Vạn Vỹ.
Trăng đêm mười hai tắt sớm nhưng khói lam của hương, của đuốc vẫn đủ độ lung linh và linh thiêng buổi tế. Gió bắt đầu nổi, các cụ bảo năm nào cũng thế – Linh ứng.
Đêm nên từng thuyền bám đuôi nhau theo thuyền Rồng chủ, quay 3 vòng nơi tế lễ rồi quẫy – quẩy tưng bừng sắc vàng – đỏ, chiêng trống, những bó đuốc được xoay, vung bung tàn đỏ… tất cả được soi bóng trên dòng sông và tâm khảm của dân làng và khách thập phương dự lễ.
Rồng thiêng Vạn Vỹ quay về đình trong cảm xúc nao nao, lâng lâng, chỉ muốn lên tận cao để nhìn thấy, lưu lại những hình ảnh của Rồng thiêng Vạn Vỹ quẫy cảm ơn Trời – Đất nghiệm linh, phù hộ.
Sáng Mười Ba, từ 5h sáng, lễ Yên Vị được cử hành cho đến 6h thì làm lễ Nam Quan, sau đó là phần tiếp lễ tư gia bách tộc và khách thập phương. Đến 9h là lễ khai mạc dâng hương. Bên cạnh phần lễ là phần hội với phần tổ chức vật hội làng, thế mạnh của Vạn Vỹ luôn đóng góp cho thể thao Việt Nam.
KTS Nguyễn Phú Đức
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1+2/2016)