Để kiến trúc cũng như gương mặt đô thị của Thủ đô Hà Nội chúng ta có được những ấn tượng mong muốn, rất nhiều điều cần đề cập, song vài điểm sau xin được bày tỏ, phần vì còn khá thời sự, phần vì tính cấp bách của nó.
Ở tầm bao quát: Việc giữ cho Thành phố phát triển theo sát những định hướng của Quy hoạch Chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 là điều cốt lõi nhất. Thực hiện điều này, không chỉ cần sự nỗ lực to lớn mà cả lòng dũng cảm của từng người dân cho đến nhiều ngành, nhiều cấp. Phải vượt qua áp lực từ nhiều phía, từ kinh phí cho đến chính sách, phạm vi lợi ích, cho đến các chiều dư luận:
- Làm sao cho đô thị Hà Nội phát triển mà phần lõi không bị quá tải, mật độ, tầng cao, dân số không mất cân đối với một diện tích và hạ tầng chỉ có vậy!
- Giải pháp giãn những cơ sở cần thiết ra ngoại vi chúng ta chưa làm được bao nhiêu, cần rà soát và lập lộ trình cụ thể.
- Làm sao cho những “Hành lang xanh” “Nêm xanh” trên tổng thể quy hoạch chung ngày một rõ nét và phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh quan niệm về những khu vực nông thôn như luôn có mầu xanh phủ đầy… thực sự nay đã không còn!
- Chúng ta đã quan tâm rất nhiều tới những “Khu nhà ở xã hội”, nơi sống của những người có thu nhập thấp. Việc mà sau một thời gian dài lãng quên, năm 2012 chúng ta mới tìm cách triển khai. Chậm nhưng rất đáng mừng. Song giờ đây sự phát triển đã manh nha một sắc thái mới. Đó là những cụm nhà mấy chục tầng với mật độ xây dựng rất tệ, thiếu tính nhân văn. Chúng đập vào mắt chúng ta dữ dằn như một loại “khu ổ chuột” mới. Khác với những “khu ổ chuột” xập xệ vốn có, vẫn luôn đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng giải quyết, đây lại ngạo nghễ của “cái mới” mà chúng ta đang triển khai thực hiện.
Người dân Hà Nội ngày nay đã đủ sức để thấu hiểu: Việc xây dựng Thành phố là lâu dài, cả đến xây dựng nông thôn mới cũng chẳng thể là ngày một ngày hai. Việc nào khó, phải tranh cãi, nhiều va chạm… rồi sẽ là việc để lại lợi ích lâu dài. Việc nào làm nhanh chóng, nhiều “vui vẻ” và “đồng thuận” thì phải coi chừng hệ lụy của nó, cái mất mát cho những thế hệ sau có thể là rất lớn và không cách nào sửa chữa được. Mới nghe tưởng như nghịch lý, nhưng lại là cái riêng của xây dựng đô thị.


Với những việc cụ thể: Xin được trở về với gương mặt đô thị và những cố gắng của chúng ta cho một Hà Nội: Sáng, xanh, sạch đẹp.
Cảm nhận gương mặt đô thị, trước hết ở Quy hoạch và Kiến trúc, các hệ thống kỹ thuật hạ tầng, cây xanh, ánh sáng, trang trí, điều kiện vệ sinh trật tự và tiện nghi, giao thông xe cộ và bộ hành, tiếng ồn, khói bụi… theo hiệu quả của sự quản lý. Và hơn thế, còn là tâm trạng của người dân và du khách.
Có hai vấn đề, không là quan trọng nhất, nhưng gần đây đang được hâm nóng, đó là biển hiệu trên đường phố, tiếp theo là tượng đài và trang trí đô thị.
– Về biển hiệu đường phố: Là một phần của Quảng cáo ngoài trời (Xin không đề cập đến mọi phạm vi của Quảng cáo ngoài trời, quảng cáo rao vặt, mà Thành phố đã nêu ở quyết định số 01/2016/QĐ của UBNDTP Hà Nội ngày 20-1-2016). Các bức xúc tập trung chủ yếu ở các tuyến phố cũ và những tuyến phố mới xây dựng với hình thức nhà ở liền kề có kinh doanh ở phía dưới. Lộn xộn ở đây bắt đầu từ kiến trúc: Không được quản lý về thiết kế, không có giải pháp tổng thể hướng dẫn cho từng đoạn phố về ý tưởng, phong cách, vật liệu, mầu sắc, các kích thước chủ yếu… Tâm lý ganh đua, phô trương càng đẩy sự lộn xộn đi xa hơn cho đến kết thúc thi công và hoàn thiện, đến lượt các biển hiệu lại góp phần làm đô thị rối rắm hơn – Không ít ngôi nhà giờ đây đã biến thành chiếc khung mang quảng cáo…. Có thêm chằng chịt đường và búi dây dẫn các loại, đường phố càng như tối sầm lại. Chúng ta khi nghĩ về mong muốn Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp, đâu phải sáng chỉ là có thêm được ánh đèn về đêm, mà còn phải là sự ngăn nắp của khung cảnh trong lòng đô thị nữa.

Gần đây, Quận Thanh Xuân đã cố gắng thí điểm tìm lại trật tự cho một tuyến phố. Người dân đã hưởng ứng phá bỏ những phần nới vẩy, chấp nhận một giải pháp chung cho biển hiệu cửa hàng của mình. Sự quyết tâm đề xuất và vận động bà còn thực hiện là hết sức đáng ghi nhận. Mở ra một khởi đầu, mà từ lâu lắm nhiều người vẫn mong ước. Tất nhiên, không ai bảo rằng tất cả đã là tốt, còn phải nghĩ thấu đáo, sao cho thẩm mỹ hơn, đáp ứng nguyện vọng của bà con hơn, cũng như thực sự thích hợp với kinh tế thị trường… Nhưng trước hết, phải từ những ý kiến người chuyên môn của lĩnh vực mỹ thuật và Kiến trúc trước trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
Thế giới đi trước chúng ta khá nhiều ở câu chuyện này. Mỗi nơi một khác, Tây Âu hướng về đơn giản mạnh mẽ, Châu Á lại chấp nhận cả sự so đo rối rắm… nhưng thành phố nào rồi cũng phải tìm ra những quy tắc cho riêng mình để có được sự trật tự và hấp dẫn. Ở Châu Âu các tuyến phố, các cửa hàng đều mang những tên hiệu thật đẹp, đêm còn có đèn màu, thay đổi.… mà đâu cần đến những tấm bảng hình chữ nhật với chi chít chữ! Giải pháp sang trọng như vậy chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít ở đô thị cổ Hội An. Những tập đoàn lớn muốn có quảng cáo tít trên cao phải chấp nhận khoản chi phí rất lớn. Thường người ta đều cấm viết chữ nước ngoài, kể cả những chữ quen thuộc vốn đã định dạng trong các lô gô của bản hãng. Chữ nước ngoài luôn phải viết nhỏ hơn chữ nước sở tại. Chi tiết sản phẩm hay dịch vụ, người ta đều ghi rõ ràng ở mặt quầy kính.

Ai cũng muốn cửa hiệu của mình bảng chữ phải đẹp, màu sắc bắt mắt, có thứ phải là mầu, là hình của chính hãng, khác đi có nghĩa là rởm… Không thể có một quy định chung cho tất cả các tuyến phố, vì vậy mà cần có sự hướng dẫn cụ thể. Chỉ với hai cửa hiệu kề nhau, biển hiệu có cùng mầu sắc, kiểu chữ và cách trình bày, nhìn đã thấy không vui, nói gì đến cả dãy phố dài, lại chỉ với 2 mầu xanh đỏ! Biển hiệu quảng cáo cũng nằm trong sách lược và nghệ thuật marketing, hướng đến sự quảng bá và lôi kéo khách hàng. Một bậc thầy về lĩnh vực này, có câu nói nổi tiếng “Khác biệt hay là chết”, có thể để chúng ta hiểu thêm về sự khốc liệt của thương trường.
– Tượng đài và trang trí đô thị
Sau nhiều năm cố gắng, chúng ta cũng có được một hệ thống tượng đài, tuy chưa thực vừa ý, nhưng rất đáng trân trọng. Nay Hà Nội đã mở rộng hơn, càng đòi hỏi thêm về số lượng, đặc biệt là chất lượng tượng đài với nhiều đề tài và sự kiện. Ngoài ra, phải có thêm các loại hình nghệ thuật hoành tráng, các tượng quy mô nhỏ, tượng trong công viên, tượng đường phố, quảng trường, nhà công cộng, các khu đô thị và còn cả ở nông thôn nữa.
Điều băn khoăn vẫn là cách giữ gìn và quản lý. Mấy năm
qua, bà con mình có thói quen hay thắp hương trước các tượng danh nhân. Lúc đầu chỉ là bát hương bé, dần là lư hương to, rồi rất to. Cuối cùng là xây tiếp ngôi đền ở phía sau! Đó là thực tiễn của câu truyện tranh cãi hồi năm 2012, rằng có xây dựng ngôi đền sau tượng đài Lý Thái Tổ ở Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ), hay tiếp theo, buồn hơn là xây ngôi đền phía sau tượng đài Quang Trung (năm 2014), làm bức tượng người anh hùng dân tộc hiên ngang uy vũ suốt mấy chục năm trước, bỗng chốc nằm gọn trong khuôn viên một ngôi đền tầm thường, cũng đủ nghi môn phía trước, rào cao bao bọc chung quanh!… Nhất định về lâu dài, nơi đây phải được trả lại sự thông thoáng, chí ít cũng như khuôn viên tượng Lê – Nin, hay vườn hoa trước Nhà khách Chính phủ đường Ngô Quyền – Như vậy mới là cách ứng xử văn minh với các tượng đài trong đô thị.
Hà Nội luôn có những sinh hoạt chính trị, lễ hội và kỷ niệm. Những dịp này, Hà Nội cần được đẹp thêm, trẻ thêm. Đã có những nhân tố mới, nhưng chưa nhiều, cách bài trí của chúng ta nói chung còn cổ và trưởng giả. Đáng tiếc nhất là sau mỗi sự kiện, các trang trí không được tháo bỏ kịp thời. Chiếc đồng hồ đếm ngược của Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đạt tới 2 kỷ lục: – Là vật thể thiếu thẩm mỹ nhất; và nán lại dây dưa sau lễ hội nhất – Làm chúng ta không thể nghĩ về một thứ gì khác hơn là sự trì trệ.
Ngành trồng cây và hoa, ngày càng có nhiều cố gắng. Nhiều giống đẹp, chăm sóc công phu, có thảm cỏ mềm mại….Mong sao việc sử dụng các bức tường bằng chậu hoa sẽ được thận trọng hơn, không tràn lan, không che chắn những không gian đẹp. Các chậu cây treo lên giá đỡ, cũng như những luống hoa đắp nhô cao…. đều quý, nhưng dùng nó cũng là chúng ta đang che chắn mất những khung cảnh phía sau. Bờ hồ Hoàn Kiếm không lớn, chỉ dùng được với những sự kiện thích hợp. To hơn phải có không gian khác. Hoa và cỏ bị dẫm nát ngày lễ hội, là lỗi của người xem, cũng là lỗi của nhà tổ chức.
Vượt qua những điều còn bất cập, đô thị của chúng ta sẽ ngày một đáng yêu hơn. Người Hà Nội và bà con cả nước xứng đáng được đón nhận những giá trị thẩm mỹ đô thị ngày càng thêm bản sắc, truyền thống lan tỏa của thành phố ngàn năm văn hiến.
Xem thêm các bài viết về đô thị Hà Nội:
- Điều chỉnh cục bộ ô quy hoạch B4, KĐTM Tây Nam Hà Nội
- Giải pháp nào cho Khu phố cổ Hà Nội?
KTS Lê Văn Lân
Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội
(Bài đăng trên số 10-2016)