Về tinh thần nơi chốn của quảng trường Ba Đình

Tinh thần nơi chốn đô thị có thể được nhận diện bởi nhiều cách khác nhau, tùy theo thời đại lịch sử và văn hóa mỗi dân tộc, thậm chí còn tùy thuộc vào mỗi con người. Bài viết này xin được giới thiệu cách tiếp cận tinh thần nơi chốn từ hai phương diện: Trường và Mạch, với trường hợp cụ thể là quảng trường Ba Đình, một không gian công cộng (KGCC) quan trọng hàng đầu ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Phương án quy hoạch Hà Nội (phần Quảng trường Ba Đình) năm 1959 – KTS

Hoàng Như Tiếp

Triết gia Heidegger, người đặt nền móng đầu tiên cho lý thuyết nơi chốn đương đại, đã viết: “Nơi chốn là cái mà được khám phá bởi mối quan hệ giữa các chiều kích của bản thể học và chính trị học. Con người được bao bọc trong nơi chốn với hai chiều là ngang và dọc. Chiều ngang được xác định bởi mối quan hệ chính trị xã hội của anh ta. Chiều dọc là chiều ẩn giấu cái hữu thể độc nhất, nhưng cũng đồng thời là nơi chốn của hữu thể”. Đó là cách định nghĩa nơi chốn theo góc độ lấy “con người” làm trung tâm. Nếu như ta nhìn ở góc độ lấy địa điểm là trung tâm, thì nơi chốn được xác định bởi Trường và Mạch. Trường là các mối liên hệ về chức năng – kiến trúc – không gian ở một thời điểm. Mạch là dòng chảy văn hóa – lịch sử – thời gian của địa điểm. Kết hợp và tương giao 2 yếu tố này sẽ tạo nên tinh thần nơi chốn.

Phương diện Trường

Theo truyền thống thiết kế đô thị của phương Tây, ở những KGCC gắn liền với những tòa nhà quan trọng, người ta thường sử dụng trục không gian chủ đạo để định hướng thị giác cũng như hoạt động của con người. Số lượng các trục có thể là một hoặc nhiều. Ví dụ, Washington D.C. dùng một trục chủ đạo để kết nối các không gian và công trình công cộng quan trọng nhất của đô thị. Thành phố Saint Petersburg sử dụng năm trục không gian hướng tới Cung Đô đốc và quảng trường Cung điện. Còn người La Mã cổ đại thì sử dụng hai trục Decumanus (Đông – Tây) và Cardo (Bắc – Nam) để thiết kế đô thị, nơi giao nhau giữa hai trục là forum, KGCC quan trọng nhất của thành phố. Đô thị Việt Nam thiết kế theo truyền thống thường sử dụng một trục, mà các cụ gọi là “trục thần đạo”. Tuy nhiên, trục này bị “đóng” bởi không gian cổng và không có tính kết nối với người dân.

Bản Quy hoạch chi tiết Trung tâm Chính trị Ba Đình (VIUP ) – 2012

Trước đây, đã có một số ý tưởng quy hoạch quảng trường Ba Đình theo mô hình phương Tây với các trục không gian chính của thành phố hướng tới nó, ví dụ như bản quy hoạch của các KTS: Hoàng Như Tiếp (năm 1959), Ngô Huy Quỳnh (1960). Nhưng thực tiễn xây dựng đô thị, cùng với việc xuất hiện Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, đã không cho phép những ý tưởng đó trở thành hiện thực. Và cấu trúc không gian của quảng trường Ba Đình ngày nay vừa có tính “đóng”, vừa có tính “mở”, tương đối hài hòa, đúng với bản chất tư duy về không gian của người Việt Nam. Đó cũng là nét độc đáo trong thiết kế KGCC của người Việt: Không quá phô bày, không quá thẳng thắn. Nói cách khác là “nửa kín nửa hở”.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì trục thần đạo ở quảng trường Ba Đình cũng cần phải có. Các thế hệ trước đây đã quyết định chọn trục Lăng Bác – Đài tưởng niệm Bắc Sơn làm “xương sống” cho cấu trúc không gian của quảng trường, chính là trục thần đạo của khu vực này. Mặc dù, với quy mô và tính chính trị, đáng lẽ ra Tòa nhà Quốc hội nên là trung tâm của trục thần đạo, bởi vì đó là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Nhưng lịch sử đã lựa chọn như vậy, và lịch sử có lý do của mình. Trước năm 2007, Hội trường Ba Đình có quy mô tương thích với Bộ Ngoại giao, đối diện qua trục chính, tạo thành một không gian có xương sống, có chính – phụ, có mới – cũ, hài hòa hợp lý. Năm 2014, Tòa nhà Quốc hội khánh thành trên vị trí hội trường cũ, rất hiện đại và hoành tráng. Tuy nhiên, xét trong tổng thể không gian kiến trúc của quảng trường Ba Đình, có một độ “vênh” nhất định giữa “thế” và “lực”. “Thế” tức là trục chính: Lăng Bác – Đài tưởng niệm Bắc Sơn; còn “lực” tức là hình thái kiến trúc có xu hướng lấn át, kích cỡ vượt trội của Tòa nhà Quốc hội so với các công trình xung quanh, khiến nó như thể bị bật ra ngoài hệ thống và khó có thể níu kéo lại. Nếu như kiến trúc là một hệ thống kí hiệu – ngôn ngữ, thì do sự vênh nhau giữa “thế” và lực khiến cho ta không hiểu nội dung “văn bản” này muốn nói gì. Cách khắc phục trong tình huống này có thể là hãy trồng thật nhiều cây xanh xung quanh Tòa nhà Quốc hội để giấu bớt cái yếu tố “lực” của nó và duy trì một trục chính duy nhất, hoặc có thể tạo ra một trục khác để phối hợp cùng với trục Lăng Bác – Đài tưởng niệm Bắc Sơn. Nói tóm lại, khi cái Thế và Lực trong Trường được hòa hợp với nhau, nơi chốn sẽ có “sức khỏe” tốt hơn, giác quan con người không bị cảm giác “gắt”, khó chịu.

Phương diện Mạch

Phương án quy hoạch Quảng trường Ba Đình năm 1960 – KTS Ngô Huy Quỳnh

Quảng trường Ba Đình là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là ngày 2/9/1945, ngày mà người Việt Nam tuyên bố độc lập, chấm dứt gần một thế kỷ bị chà đạp trong bùn đen của chế độ thực dân. Tinh thần nơi chốn ở đây là cảm giác về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Mỗi ngày, ở thời điểm lễ thượng cờ buổi sáng và hạ cờ buổi tối, luôn có những người dân Hà Nội đến chứng kiến, để tự khơi dậy và cảm nhận tình yêu đất nước mình, mà chính mình cũng là một phần trong đó.

Sự thay đổi phong cách kiến trúc các công trình xung quanh quảng trường Ba Đình cũng cho ta thấy cảm giác về sự vận động của lịch sử. Đó là kiến trúc hoàn toàn kiểu Pháp ở Phủ Chủ tịch (Dinh Toàn quyền trước đây); phong cách Đông Dương (kết hợp kiến trúc Pháp và Việt) ở Trụ sở Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại; kiến trúc Hiện đại ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội. Mặc dù được xây dựng theo những phong cách khác nhau nhưng chúng lại có sự đồng điệu chung ở tính trang nghiêm. Nếu như so sánh với các không gian có chức năng tương đương trên thế giới như trung tâm hành chính Chandigard (Ấn Độ), quảng trường Tam quyền (Brasil), được xây dựng hoàn toàn theo phong cách Hiện đại, thì quảng trường Ba Đình có sức hấp dẫn hơn, “dễ gần” hơn bởi sự chuyển đổi phong cách kiến trúc các tòa nhà theo những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Một điều thiếu sót ở quảng trường Ba Đình là chưa có một yếu tố kiến trúc trực quan nào nhắc lại các sự kiện Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Nếu như ở quảng trường Đỏ (Moskva) có tượng nguyên soái Zhukov cưỡi ngựa để gợi nhớ lại cuộc duyệt binh chiến thắng phát xít 1945, quảng trường Trafalgar (London) có cột Nelson để nhớ về vị đô đốc đã hi sinh trong trận đánh Trafalgar 1805 làm thay đổi vị thế nước Anh, thì ở quảng trường Ba Đình có cái gì để giúp người dân và du khách nhớ về ngày 2/9/1945?

Một phần của tinh thần nơi chốn được tạo nên từ dòng mạch thời gian và lịch sử. Những sự kiện từng diễn ra trên quảng trường Ba Đình năm xưa nếu như không được nhắc nhở tới mỗi người dân đến đó thì tinh thần nơi chốn ở đó bị giảm đi phần nào. Một tác phẩm kiến trúc nhỏ để gợi nhớ ngày 2/9/1945 là rất cần thiết. Đó có thể là một tượng đài ở vị trí trang trọng hoặc chỉ cần một tấm bảng tưởng niệm ở một góc đắt giá nào đó.

Nơi chốn, cũng như con người, cần được nuôi dưỡng, học tập, sáng tạo, đấu tranh… thì mới trở nên mạnh mẽ được. Những công trình hiện đại cao tầng mới xây dựng ở gần quảng trường Ba Đình như những hạt sạn trong không gian trang nghiêm nơi đây. Nhưng nếu như không thể ngăn cản sự tham lam và phô trương đó, thì chúng ta cần tìm ra lối thoát khiến cho cái “phô”, “sạn” kia không thể làm mất đi những giá trị tinh thần vốn có. Trong cấu trúc của nơi chốn, Trường luôn thay đổi và có những yếu tố mới thách thức sự ổn định, nhưng qua đó mà khí chất bên trong của Mạch được thử thách và sáng tạo ra những hình thức mới, khiến cho nơi chốn luôn được vận động phát triển.

KTS Vũ Hiệp

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)