Vì một Hà Nội “Xanh”

Vì một Hà Nội “Xanh”



Cây xanh và di tích Kiến trúc trên tuyến đường Kim Mã – Hà Nội

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam: Lỗi thuộc về truyền thông và các nhà quản lý

Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của những người thiết kế metro, rõ ràng là có rất nhiều phương án để lựa chọn cho metro và hàng cây xanh ở Thủ Lệ, họ đã phải cân nhắc rất nhiều mới đưa ra giải pháp như vậy (vì nếu hạ ngầm đường sắt thì sẽ rất tốn kém). Theo tôi, ở đây lỗi chính thuộc về truyền thông – Khi đưa thông tin không nói rõ hiện trạng, giải pháp đầy đủ… Lỗi thứ hai, cũng quan trọng không kém, thuộc về các nhà quản lý, lẽ ra ngay khi bắt đầu dự án cần phải thông tin đầy đủ cho giới báo chí cũng như người dân biết về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung cụ thể của dự án, tránh tình trạng thiếu thông tin, gây hoang mang cho người dân Thủ đô.

Mặt khác, trong rất nhiều văn bản pháp quy của TP Hà Nội như Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật Thủ đô, Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội… tất cả đều hướng tới việc xây dựng một đô thị lịch sử, văn hiến, cảnh quan kiến trúc đặc trưng, một đô thị “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Muốn làm được điều này, vai trò của cộng đồng rất quan trọng, chính quyền TP và mỗi người dân đều phải có trách nhiệm và góp sức xây dựng thành phố của mình. Nên chăng với mỗi dự án, chính quyền nên thông tin đầy đủ cho người dân, chặt một hàng cây cũng phải bàn bạc, lấy ý kiến của dân, với tùy từng khu vực, chủng loại để có giải pháp cho phù hợp….

1b

1a

Cây xanh và di tích Kiến trúc trên tuyến đường Kim Mã – Hà Nội

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Cần cân nhắc giữa bảo tồn và nhu cầu mở rộng giao thông

Chúng ta đang gặp phải vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn các di tích với nhu cầu xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng ý rằng, tại khu vực Kim Mã có rất nhiều di tích và công trình có giá trị lịch sử, hàng cây xanh dọc bên đường như những cơ thể sống rất cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Tuy nhiên, việc bảo tồn hiện nay cần được đặt trong một “tư duy mới” – Đó là: Bảo tồn di sản không phải chỉ là phục dựng di tích, mà cần phát huy giá trị của di tích thông qua việc nâng cấp chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy, các yêu cầu về giao thông là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, đặc biệt, trong các đồ án quy hoạch gần đây, vấn đề mở rộng giao thông đã được đặt ra rất rõ. Theo các tiêu chí về phát triển đô thị, giao thông trong nội đô phải đạt 20%, trong khi hiện nay, tỷ lệ đường giao thông mới đạt 9%, vì thế, mở rộng đường giao thông và nâng cao chất lượng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chúng ta phải cân nhắc xem việc giữ lại hàng cây với việc mở rộng giao thông để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì vấn đề nào quan trọng, cần thiết hơn. Thực tế, các nước trên thế giới đã có nhiều giải pháp để vừa đảm bảo nhu cầu phát triển, vừa giữ được các cảnh quan và công trình có sẵn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, câu chuyện trên cho thấy còn tồn tại những vấn đề về cách thức thực hiện, quản lý đồ án quy hoạch: Một là, khi lập đồ án quy hoạch giao thông, chúng ta đã không tính đến các yếu tố có liên quan khiến cho dự án khi được triển khai buộc phải phá đi nhiều cây xanh và cảnh quan có sẵn …; Hai là, việc xây dựng không tuân theo các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cùng với sự buông lỏng quản lý đã khiến rất nhiều công trình xây dựng không phép hoặc sai quy hoạch… Cho đến khi, chúng ta có điều kiện để thực hiện quy hoạch thì lại tốn hàng tỷ đồng đề bồi thường, giải phóng mặt bằng… Hàng cây trên đường Kim Mã và một số tuyến phố khác là những ví dụ khá tiêu biểu hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Và đó cũng là những bài học, là tiếng chuông cảnh báo cho những người làm quy hoạch, xây dựng, kiến trúc chúng ta trong những dự án tương lai.

Hàng cây cổ thụ trên đường Kim Mã

Nhà báo Kiều Trinh (báo Thanh niên): Nên có Luật bảo vệ, “đền bù” cây xanh cho TP!

Cho đến giờ thì dự án xây dựng đường sắt trên cao đã khởi động, không thể góp ý hay “bàn lùi” được nữa. Theo tôi, chúng ta chỉ nên rút kinh nghiệm và góp ý kiến cho các giải pháp để các dự án sau không gặp phải tình trạng như vậy nữa. Điều tôi quan tâm là trong các chế tài, văn bản luật định, có Luật nào bảo vệ cây xanh, hoặc giải pháp “đền bù” cây xanh cho Thủ đô – ta có thể di dời hàng cây đó ra chỗ khác, hoặc phá chỗ này thì phải trồng bù cây cho chỗ khác không? Hoặc cũng có thể có cơ chế nào đó cho người dân có thể mua lại cây xanh, đem ra chỗ khác trồng, bởi lẽ có được một cây xanh cổ thụ như thế không phải là chuyện dễ dàng, một sớm một chiều mà có được….

Cây xanh góp phần mang lại thương hiệu cho Hà Nội

Cây xanh góp phần mang lại thương hiệu cho Hà Nội

KTS Nguyễn Huy Khanh (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam): Đưa ra quyết định chặt hạ hàng cây xanh này, Ban quản lý dự án đã không làm hết trách nhiệm của mình!

Đó là những cây lâu năm, trồng rất khó. Ở các nước phát triển, điều này bị cấm tuyệt đối. Ở Berlin, thậm chí đã có một cuộc biểu tình lớn của người dân để bảo vệ một cây sồi già trong thành phố.

Cuối năm 2009, đầu năm 2010, khi công trình Nhà Quốc hội thi công móng cọc và tường bao, gây ảnh hưởng đến 2 cây xà cừ cổ thụ (cùng tuổi với hàng cây cổ thụ trên đường Độc Lập). Bộ trưởng Bộ Xây dựng (lúc đó là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân) đã chỉ đạo di dời 2 cây này đến trồng ở trước Cung Quy hoạch, để sau này khi Nhà Quốc hội hoàn thành sẽ chuyển trở lại. Việc di dời cây đã được thực hiện, 2 cây này hiện đã sống xanh tốt trước Cung Quy hoạch vài năm nay.

Trở lại với hàng cây cổ thụ ở Thủ Lệ, theo tôi, việc trước mắt là di dời đến một địa điểm khác trong TP, sau đó tìm chỗ để trồng lại trong những công viên. Nên học hỏi những bài học từ nước ngoài, hoặc ngay ở Khu đô thị mới Eco Park họ đã làm rất tốt việc di dời những cây cổ thụ từ các khu thủy điện về trồng. Tôi nghĩ rằng, về mặt giải pháp, khi được hỏi, giới KTS không bao giờ ngần ngại với những giải pháp làm đẹp cho Thủ đô.

Trước sức ép về việc cần giải quyết các bức xúc về xây dựng, giao thông một cách nhanh chóng mà các nhà quản lý chưa đề cao những giá trị về cây xanh cần được gìn giữ ... (Ảnh trong bài: Bá Đô)

Trước sức ép về việc cần giải quyết các bức xúc về xây dựng, giao thông một cách nhanh chóng mà các nhà quản lý chưa đề cao những giá trị về cây xanh cần được gìn giữ …

(Ảnh trong bài: Bá Đô)

PGS.TS. Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia: “Cây xanh là biểu tượng của Hà Nội Xanh”

Trong xã hội hiện đại, cây xanh đã được khẳng định về tầm quan trọng và vai trò to lớn góp phần làm tăng giá trị cuộc sống cho người dân, mang lại môi trường sống tốt, cảnh quan đẹp, và thậm chí, khẳng định giá trị biểu tượng của thành phố. Chính vì nhìn nhận giá trị của cây xanh trong đô thị, Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 1081/QĐ-TTg ) đã xác định rõ định hướng: “Xây dựng TP Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững…”. Tuy nhiên, có một thực tế là ở các thành phố đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Hà Nội, chúng ta thường gặp những mâu thuẫn giữa bảo tồn các giá trị vốn có, trong đó có các giá trị thuộc về tự nhiên, sinh thái và các phát triển mới. Do vậy, mỗi quyết định về quy hoạch xây dựng cần được cân nhắc thận trọng, lật đi lật lại vấn đề nhiều lần dưới nhiều góc độ để có được quyết định đúng đắn: phát triển mới nhưng không làm mất đi những giá trị vốn có, hình thành nên từ lịch sử lâu dài và một khi đã mất đi thì khó lòng phục hồi lại được. Cây xanh trong đô thị là một loại giá trị như vậy. Ở những xã hội phát triển, cây xanh và các yếu tố tự nhiên luôn được trân trọng và được xem là một loại tài sản cần được bảo vệ tối đa.

Vừa qua, tại Hà Nội, trong quá trình triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn đi dọc đường Láng đã phải đốn chặt đi một số cây cổ thụ lâu đời rất đẹp, hàng chục năm qua tỏa bóng mát cho con đường và đã trở nên hết sức thân thương với nhiều người dân thành phố. Đây thực sự là một điều đáng tiếc. Trên nguyên tắc và trong quy trình pháp quy thực hiện các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng, có nội dung đánh giá môi trường chiến lược hoặc đánh giá tác động môi trường, trong đó các nguy cơ và vấn đề ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên, xã hội của đồ án, dự án cần được dự báo và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu thỏa đáng. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, công tác đánh giá tác động môi trường và cảnh quan luôn được đặt lên hàng đầu và được thực hiện hết sức nghiêm túc. Tại Việt Nam, đây cũng là khâu không thể thiếu trước khi đồ án được phê duyệt, song, đôi khi, thực tế công tác này được triển khai một cách đối phó, hình thức, hoặc trước sức ép về việc cần giải quyết các bức xúc về xây dựng, giao thông một cách nhanh chóng mà các nhà quản lý chưa đề cao những giá trị về cây xanh hay mặt nước cần được gìn giữ …

Riêng đối với Hà Nội, một thành phố đã được thế giới ghi nhận là thành phố xanh, thành phố hòa bình thì cây xanh phải được nâng tầm thành thương hiệu và nhận thức về giá trị thực tiễn cũng như giá trị tinh thần mang tính biểu tượng của cây xanh cần được khẳng định và phổ biến rộng rãi. Và ở khía cạnh này, rõ ràng một đường tàu điện trên cao không tạo nên thương hiệu gì cho Hà Nội.

Giao thông công cộng, về mặt công năng phục vụ nhu cầu đi lại đô thị, đương nhiên là cần thiết, nhưng việc triển khai nó không nhất thiết phải chặt bỏ cây xanh, đặc biệt là những cây xanh lâu năm có nhiều giá trị. Phương thức đi lại có thể thay đổi và ngày càng được đổi mới, nhưng mất đi một cây cổ thụ thì phải mất rất nhiều năm sau mới có thể có lại được.

Vì vậy, để gìn giữ và bảo vệ những hàng cây xanh cho Hà Nội, trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về vai trò và tầm quan trọng của cây xanh trong đô thị, tiếp đến là có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để bảo vệ và tăng cường cây xanh đô thị. Cây xanh cần được gìn giữ, trồng mới và cần được ưu tiên hơn hẳn so với các nhu cầu khác. Đến thời điểm này, dự án đường sắt trên cao đã được phê duyệt và đang trong quá trình triển khai. Chúng ta không thể kỳ vọng có thể dừng hay thay đổi toàn bộ hướng tuyến của dự án để không làm ảnh hưởng đến hàng cây cổ thụ bên đường. Song, ít nhất, chúng ta phải có cách ứng xử hợp lý, có giải pháp để cây đó sống ở một nơi khác.

Singgapore là quốc gia rất đáng học tập về việc gìn giữ cây xanh, và thậm chí, họ còn chuyển cây từ Châu Phi về trồng, hay tạo ra những cây nhân tạo nhằm cải thiện vi khí hậu và thu hút du lịch. Rõ ràng, Singapore xem cây xanh là một chiến lược phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước. Các khu đô thị mới ở Hà Nội hiện nay, muốn có cây xanh cổ thụ ngay cũng phải mua, chuyển từ rừng về… Nếu thực sự cần không gian cho xây dựng, chúng ta vẫn có thể bứng chuyển những cây xanh bị ảnh hưởng đến một nơi khác, một công viên hay một khu đô thị nào đó, hoàn toàn có thể có những giải pháp đảm bảo cây đó được sống tươi tốt ở một vị trí khác, như việc, việc phá bỏ những giá trị tự nhiên vốn có của Hà Nội cũng đã được giảm thiểu phần nào. Cho nên, chặt đi một gốc cây cổ thụ chính là một giải pháp tồi tệ và vô cảm. Điều này không chỉ làm mất đi một thực thể sống có ích cho xã hội, mà sâu xa hơn, còn ảnh hưởng to lớn đến tinh thần của người dân. Nếu như các cấp chính quyền, các nhà quản lý không coi trọng các giá trị cần bảo tồn hay những tài sản thuộc của công, thì người dân cũng sẽ vô cảm trước việc phải hy sinh những lợi ích của cá nhân cho sự nghiệp chung…Điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến việc tạo nên tinh thần trách nhiệm của người dân với thành phố…

Chính vì vậy, hy vọng rằng, sau khi Hội KTS Việt Nam và các chuyên gia lên tiếng, chính quyền Thành phố sẽ có những chỉ đạo cụ thể và thiết thực để gìn giữ những hàng cây cho Hà Nội, và hơn thế, sẽ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền để cùng với người dân, chung tay xây dựng Thủ đô.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận: Cây xanh – nỗi niềm giữa bảo tồn và phát triển

Nhiều lần đi trên các phố cổ của Châu Âu, thấy hàng cây cổ thụ hai bên đường trong khi phía dưới là hệ thống đường tàu điện ngầm chằng chịt, cứ băn khoăn: Làm sao mà họ giữ gìn được nguyên vẹn hai hàng cây xanh cổ thụ? Ở Budapets – Cũng đang làm hệ thống tàu điện ngầm và hầu hết đều đã xong, trên mặt đất không có cây xanh nào bị đốn, tìm hiểu thì được biết họ sử dụng phương pháp thi công bằng Robot, họ chỉ đào sâu xuống ở đầu đường rồi cứ thế đào ngầm xiên ngang, đào đến đâu, chống đến đó và xây đường hầm luôn, nên phía trên không ảnh hưởng gì, thậm chí cây xanh vẫn được giữ nguyên.

Phát triển đô thị tại Việt Nam là một quy luật tất yếu, nhưng giải bài toán hài hòa giữa “bảo tồn và phát triển” đòi hỏi Chính quyền và người dân cùng đồng thuận với kế hoạch phát triển và chấp nhận hy sinh phần nào để phục vụ phát triển. Để phát triển cần hướng đến cộng đồng, coi trọng vai trò của cộng đồng, của người dân. Do không được tham gia vào quá trình thiết kế, cộng đồng không có sự chuẩn bị tâm lý, vậy nên nhiều người dân, nhất là giới trẻ không thể kiềm chế được cảm xúc của mình khi bị mất đi hàng cây quen thuộc đã ăn sâu vào tâm trí bao thế hệ, điều đó là tất yếu. Tuy nhiên, dù có rất luyến tiếc hàng cây xanh cổ thụ, nhưng hầu hết mọi người cũng đồng tình với việc xây dựng các đường giao thông hiện đại mang đến cho đô thị hình ảnh tương xứng với các nước trong khu vực, vì vậy họ sẵn sàng hy sinh cho tương lai.

Vì tình yêu Hà Nội và vì đô thị xanh, người viết hy vọng trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng lớn, ảnh hưởng đến phát triển đô thị như các dự án đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm… cộng đồng dân cư phải được tham gia trong quá trình lập dự án. Những cây xanh đường phố trong quá trình đốn hạ để xây dựng cần được phân loại, những cây lâu năm có giá trị cần được bảo tồn bằng cách trồng lại ở một nơi nào đó cần thiết tại những khu phải đốn hạ cây, thì làm xong cần có kế hoạch trồng cây mới phù hợp ngay khi có thể, trả lại cho đô thị hình ảnh xanh. Mong rằng những tiếng kêu cứu của các hàng cây cổ thụ cũng như mong muốn của người dân được các nhà quản lý và các cấp Chính quyền quan tâm và thực hiện. Để Hà Nội mãi còn đó những con đường tỏa bóng mát cây xanh rợp bóng. Cộng đồng sẽ cùng với chính quyền chung tay góp sức gìn giữ, bảo vệ và phát triển một Hà Nội xanh…

KTS Nguyễn Hoàng Phương: “Cây xanh là yếu tố quan trọng nhất trong cảnh quan tự nhiên của đô thị”.

Có những gốc cây, tán lá đã trở thành biểu tượng, biểu trưng cho những khoảng thời gian trong dĩ vãng lịch sử, không thể xoá nhoà trong ký ức tâm hồn những người dân, trở thành biểu tượng của “Nơi chốn” đối với cộng đồng. Cần tiếp cận vấn đề như trên mới có thể xác đinh được thái độ cần thiết của chúng ta với cây xanh trong đô thị. Đó cũng chính là việc đầu tiên cần làm với hàng cây cổ thụ sắp bị đốn hạ ven vườn hoa Thủ Lệ nói riêng và cây xanh trong TP nói chung.

Đối với những cây xanh thông thường, chưa phải lâu năm, chưa trở thành các biểu tượng văn hoá, chúng ta cần ứng xử với chúng theo những tiêu chí khoa học thích hợp để gìn giữ. Về mặt quản lý, đối với cây xanh trên hè phố, cần có sự thống nhất về trách nhiệm quản lý, giao cho nhà nước và nhân dân cùng làm – cùng quản lý và bảo vệ cây xanh.

Đối với những cây xanh lâu năm, các loại cây xanh quý giá về chủng loại, có hình dáng đẹp về hình thế…đã ghi dấu ấn qua thời gian và trở thành các kỷ niệm “nơi chốn”, cần phải có ứng xử như các dạng biểu tượng văn hoá tự nhiên. Cần phải có văn bản, quy định, chế tài công nhận về loại biểu tượng văn hoá này và quy định rõ hành lang pháp lý để bảo vệ theo mức độ quan trọng của từng cây xanh một. Có những cây xanh quý giá, hàng trăm năm tuổi thi phải ứng xử với điều khoản đặc biệt như với công trình di sản văn hoá cấp quốc gia, tuyệt đối không được xâm phạm và phải có sự chăm sóc. theo dõi đặc biệt theo tiêu chuẩn quốc tế vì suy cho cùng đây là không chỉ sản phẩm của một quốc gia mà là bảo vệ hệ sinh thái cuả cả Trái đất…

Việc hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ sắp bị đốn hạ để làm đường sắt trên cao khiến cho người dân Thủ đô ngậm ngùi tiếc nuối. Trong số này, Diễn đàn KTS trên Tạp chí Kiến trúc sẽ ghi nhận những ý kiến của giới nghề xung quanh vấn đề này với mong muốn góp phần đề xuất giải pháp giữ gìn và phát huy vai trò của cây xanh trong đô thị.

Các ý kiến đóng góp sẽ được đăng tải trên Tạp chí và website www.tapchikientruc.com.vn

Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 (tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội) và hai nhà ga số 8 (khu vực trước cổng Đại học Giao thông Vận tải) và ga trên cao đoạn qua khách sạn Daewoo, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị sẽ phải đốn hạ hơn 30 cây xà cừ cổ thụ từ dốc Voi Phục đến khách sạn Daewoo (đường Kim Mã, quận Ba Đình).

Trước đó, để xây dựng dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội cũng chặt 23 cây xà cừ có đường kính rộng hơn một mét trên đường Láng, đoạn gần cây xăng Ngã Tư Sở.

Theo Hội KTS Hà Nội, việc chặt hạ hàng loạt cây cổ thụ để xây đường sắt đô thị, xét về mặt kỹ thuật là đúng, vì nó sẽ tránh ảnh hưởng tới tầm nhìn của tàu điện, ngoài ra cây xà cừ có rễ nông, mưa gió rất dễ bị đổ, ảnh hưởng tới công trình. Tuy nhiên, các KTS cũng cho rằng: Cây xanh là di sản, cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn những phương án tốt nhất để tránh ảnh hưởng không gian xanh vốn đã rất hiếm có của thành phố…