Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì một số công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây, công nghệ in 3D, Internet vạn vật và các thiết bị kết nối; rô-bốt; mạng xã hội,… sẽ được áp dụng ở quy mô công nghiệp, dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm (cơ cấu thu nhập, không gian làm việc, không gian cư trú). Đồng thời, sự phát triển này sẽ xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học,… tạo ra 4 tác động chính: i) Gia tăng nhu cầu tiêu dùng; ii) Gia tăng sản xuất; iii) Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; iv) Thay đổi các hình thức tổ chức.
Xét về quy mô, thị trường Việt Nam ước tính giá trị 9 tỷ USD trong năm 2018, dự kiến tới năm 2025 sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD. Kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn sẽ giúp nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh và bền vững. Để kinh tế số phát triển, cần có sự dẫn dắt của Chính phủ trong đó có quy hoạch xây dựng đô thị gắn với hoạt động kinh tế số.
Đặc trưng lớn nhất của kinh tế số là tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất với nhu cầu của thị trường, giúp lược bỏ nhiều khâu trung gian trong dây chuyền cung ứng và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu cho các chủ thể của nền kinh tế. Kinh tế số sẽ thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội và làm thay đổi tính dịch cư, định cư của dân cư, văn minh đô thị. Việc các công ty công nghệ ngày càng đa dạng, len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống đã và sẽ trở thành một nền văn minh mới, quen thuộc với người tiêu dùng, tạo thói quen đặt hàng online, đặt xe công nghệ, nhà ở công nghệ, du lịch trực tuyến,…Nền văn minh mới này sẽ tác động mạnh tới quá trình đô thị hóa tại Việt Nam.
Đô thị không chỉ là các trung tâm về hành chính, nơi tập trung các hoạt động kinh tế bất động sản phục vụ hoạt động cư trú mà đã trở thành các nút của các dòng chảy kinh tế: Dịch vụ, sản xuất tạo giá trị gia tăng thực sự trong đó có kinh tế số. Đô thị thông minh là đô thị có nền kinh tế số phát triển mạnh.
Các đô thị thông minh – smartcity ở Việt Nam còn nhiều thách thức: Tính an toàn, an ninh, tính đồng bộ, chiến lược chuyển đổi số, nguồn lực, khung pháp lý, thị trường lao động, cơ sở hạ tầng, năng lượng,… Đô thị thông minh cần phải có thiết kế quy hoạch thông minh, quá trình xây dựng thông minh và quản lý vận hành thông minh nhằm đáp ứng các nhu cầu của công dân số, hoạt động kinh tế số và các yêu cầu khác một cách bền vững.
Các ngành nghề kinh tế số sẽ tác động mạnh tới sự hình thành, phân bố không gian đô thị, ví dụ như: Hoạt động kinh tế chia sẻ phòng – nhà ở (thay đổi quan điểm về sở hữu nhà ở, bất động sản, du lịch khách sạn,..); thương mại điện tử (thay thế các siêu thị, chợ); xe tự động không người lái (thay đổi hạ tầng, giao thông); robot (thay thế con người trong sản xuất, dịch vụ ở đô thị); logistics công nghệ cao, thiết bị vận chuyển không người lái drone (thay đổi cách tiếp cận, vận chuyển, trao đổi hàng hóa);…
Xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính-ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển,…sẽ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt, mua sắm, lựa chọn chỗ ở, chỗ làm việc của người dân; tổ chức của doanh nghiệp và cả cách điều hành quản lý của chính quyền (chính phủ điện tử, thay đổi cách tương tác vật lý, tương tác ảo; thay đổi môi trường sống, vui chơi giải trí; thay đổi không gian làm việc, dân chủ hóa sản xuất; vấn đề di cư, định cư; cơ cấu lao động và các vấn đề xã hội khác: chi phí xã hội, tệ nạn, tội phạm, an sinh an toàn,..).
Hoạt động kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu đô thị (đất đai, dân số, việc làm, nghề nghiệp, hạ tầng, môi trường,…), lưu trữ, khai thác, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan tới quá trình quy hoạch, thực hiện, vận hành quản lý các đô thị (cả cũ và mới). Văn hóa kỹ thuật số sẽ được phát triển một cách linh hoạt, không những kết nối giữa tất cả bộ phận chức năng trong một công ty, một tổ chức, các tổ chức của một nhà nước với nhau mà còn là nhà nước với nhân dân, công ty với khách hàng và đối tác; giữa người với người và với vạn vật. Cụ thể: kết nối con người nhau và với đô thị; đô thị với đô thị, với nông thôn trong và ngoài quốc gia.
Việc kết hợp cả nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cùng sử dụng “Kinh tế chia sẻ” để huy động tài chính, công cụ lao động, dữ liệu của xã hội tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa,…sẽ làm thay đổi nguyên tắc, cách đặt vấn đề, cách tạo thị, kết nối đô thị và cả việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn.
Các nước như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,…hiện đã có những chính sách cụ thể để dẫn dắt, quản lý, phát triển các hoạt động kinh tế số đem lại lợi ích và tái đầu tư để tăng tính cạnh tranh, nâng cao đời sống, văn minh đô thị. Tính cạnh tranh trong dịch vụ, sản xuất kinh doanh ngày càng cao dẫn tới sự biến động không gian sẽ diễn ra nhanh hơn, phức tạp hơn và nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới việc tiếp cận, đầu tư xây dựng đô thị, xác định cơ cấu sản phẩm bất động sản đô thị,…
Singapore đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển nền kinh tế nhờ cải thiện cơ sở hạ tầng số: phát triển hệ thống cáp quang và mạng 4G, nhờ đó tăng đáng kể tốc độ truyền tải thông tin; các hộ gia đình Singapore chuyển dần nhiều hoạt động vào không gian kỹ thuật số, tỷ lệ dân số sử dụng internet khoảng 80% và năm 2015, chỉ số thanh toán điện tử của nước này ở khoảng 56%-57%.
Hàn Quốc đã tạo ra chính sách điều chỉnh an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực: khoảng 84% dân số truy nhập Internet; hỗ trợ giao dịch điện tử; đưa ra một khung hợp tác để kiểm soát các công cụ tìm kiếm xuyên quốc gia để đánh thuế tiền ảo trong game, công nghiệp giải trí online,.. phát động chiến lược i-Korea 4.0 lấy con người làm cốt lõi với hai phương hướng chính là DNA (công nghệ Big Data, nền tảng hệ thống mạng và trí tuệ nhân tạo) và R&D (đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa các dự án vào ứng dụng trong thực tiễn).
Từ năm 2015, Trung Quốc dần tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ số để vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới. Họ không chỉ ban hành chính sách mà còn đóng vai nhà đầu tư, sáng tạo và người tiêu dùng trong nỗ lực để hỗ trợ số hóa; tích hợp Internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT với các ngành sản xuất truyền thống và người tiêu dùng triển khai rộng rãi trong nhiều ngành như logistics, an sinh xã hội, và chế biến chế tạo.
Xây dựng “Quốc gia thông minh” cần sức mạnh tổng thể, cùng với sự dẫn dắt của Chính phủ và bắt đầu từ từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, quy hoạch đô thị thông minh tạo không gian đáp ứng, thúc đẩy sự tiến bộ nền kinh tế số, hoạt động kinh tế số,…đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Bởi vậy cần chuẩn bị, nghiên cứu khoa học các quan hệ, tác động của hoạt động kinh tế số với không gian đô thị, dần dần thay đổi nguyên tắc, cách tính toán, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu và quy trình để lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách kiến tạo, phù hợp với thời đại, đảm bảo sự phát triển đô thị bền vững và hiệu quả.
TS.KTS Lê Xuân Trường
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
(Bài đăng trên số 09-2019)