Phát triển là yêu cầu tất yếu của mỗi địa phương, nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững phải đạt được sự hài hòa giữa ba mục tiêu: Bền vững về môi trường sinh thái, bền vững về văn hóa – xã hội và bền vững về kinh tế – kỹ thuật. Để đảm bảo mục đích phát triển tỉnh Long An trở thành tỉnh có mô hình phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì ngoài các mục tiêu của phát triển bền vững đã nêu, phải đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể như sau:
Mục tiêu 1. Xác định tỉnh Long An sẽ phát triển kinh tế theo định hướng nào để tạo ra sự đặc trưng khác biệt có tính cạnh tranh so với các địa phương khác trong vùng.
Mục tiêu 2. Xác định các khu vực về mặt địa lý trong tỉnh cần tập trung nguồn lực để hình thành vùng phát triển đặc trưng khác biệt có tính cạnh tranh của tỉnh Long An .
Mục tiêu 3. Tại các khu vực tập trung phát triển được xác định để đầu tư tập trung sẽ phát triển quy hoạch đô thị theo mô hình như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tỉnh Long An có đầy đủ các yếu tố thuận lợi đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tỉnh Long An vừa có đặc trưng khí hậu Xích đạo vừa có đặc trưng khí hậu Nhiệt đới – gió mùa – nóng ẩm với hai mùa mưa, nắng. Môi trường sinh thái tự nhiên có đặc trưng rõ nét trong đó phía Tây – Bắc của tỉnh là vùng trũng Đồng Tháp Mười, trong năm có nhiều tháng chịu tác động ngập lụt do nguồn nước của sông Mê Kông, phía Đông Bắc tiếp giáp với vùng miền Đông Nam bộ, phía Nam và Đông Nam là vùng cửa sông tiếp giáp với biển Đông, do đó về mặt môi trường sinh thái tỉnh Long An có sự đa dạng về mặt sinh học cao.
- So với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An có vị trí địa lý liền kề với Vùng kinh tế động lực phát triển phía Nam của cả nước (TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương), nằm trên tuyến liên thông giữa vùng TP HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới và cửa khẩu quốc tế với Vương quốc Cambodia và có hướng mở ra biển Đông.
- Xét về giao thông: đường bộ tỉnh Long An có đường cao tốc quốc gia và quốc lộ số 1 đi qua, Long An nằm trên tuyến giao thông giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống cảng biển của TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành (trong tương lai), ga đường sắt. Đường thủy có cảng biển tiếp cận với biển Đông, nằm trên tuyến giao thông thủy giữa TP HCM với đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Cambodia.


Xem xét các yếu tố không thuận lợi của tỉnh Long An:
- Môi trường sinh thái sẽ bị tác động do quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu (dự báo nước biển dâng trong tương lai)
- Tỉnh Long An liền kề với vùng kinh tế động lực phát triển là các địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và đồng thời không ở vị trí là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như TP Cần Thơ. Các thành phố, địa phương vừa kể đã xác định được ưu thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và có cơ sở hạ tầng tốt, có bề dày kinh nghiệm và có vị trí địa lý thuận lợi do đó đã và sẽ thu hút được các nguồn đầu tư.
Qua phân tích các vấn đề trên nhằm mục đích xác định chiến lược phát triển mang tính đặc trưng khác biệt của tỉnh Long An, từ đó tập trung phát triển tạo nguồn lực kinh tế – kỹ thuật, làm nền tảng phát triển đạt được yêu cầu bền vững. Tỉnh Long An hiện tại và trong tương lai gần chưa thể cạnh tranh với các địa phương lân cận trong vùng kinh tế động lực phát triển theo hướng Công nghiệp hóa (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu). Tỉnh Long an cũng chưa thể cạnh tranh về cung ứng dịch vụ, thương mại hay phát triển du lịch so với các địa phương như TP Cần Thơ, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang, Kiên Giang…
Vậy đâu là điểm trọng tâm mà tỉnh Long An cần hướng đến để tập trung phát triển tạo sự đặc trưng khác biệt và dần dần xác định thế mạnh có thể cạnh tranh so với các địa phương khác trong vùng?
Hiện tại và lâu dài, vấn đề nguồn cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch cho các đô thị công nghiệp, đô thị dịch vụ, thương mại trong vùng, kể cả xuất khẩu ra các quốc gia trong khu vực là hướng còn chưa xác định được trọng tâm tập trung phát triển.
Nếu tỉnh Long An xác định chiến lược “sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch” để tạo được tính đặc trưng khác biệt có thể cạnh tranh thì sẽ có nhiều lợi thế sau:
- Lợi thế về môi trường sinh thái tự nhiên thuận lợi, đa dạng về địa hình, đa dạng về hệ sinh thái và đa dạng về sinh học, do đó trong lĩnh vực nông nghiệp có thể sản xuất cây lương thực, cây hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi các loài thủy sản nước ngọt, nước lợ,…
- Lợi thế về giao thông tiếp cận đến các đô thị công nghiệp, đô thị dịch vụ, thương mại, du lịch; lợi thế tiếp cận nhanh đến hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, ga đường sắt.
- Giá trị hàng hóa từ ngành nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ sạch luôn cao hơn nhiều lần so với sản phẩm được sản xuất theo cách thức truyền thống ở các địa phương hiện nay, nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ sạch luôn ngày càng cao khi nền kinh tế phát triển, dân trí được nâng cao. Nhu cầu này không chỉ có ở thị trường trong nước mà có thể xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới nếu như sản xuất với quy mô lớn tạo được thương hiệu và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

Tỉnh Long An trước mắt sẽ không tập trung vào phát triển công nghiệp như các địa phương khác vì không thể cạnh tranh thu hút đầu tư công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Các vùng tập trung phát triển công nghiệp trong tương lai sẽ là khu vực huyện Đức Hòa do liền kề với đường vành đai 2 và 3 của vùng TP HCM sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ theo hướng sử dụng công nghệ cao; vùng công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao sẽ tập trung phát triển tại phía Đông quốc lộ 50 thuộc huyện Cần Giuộc trải dài đến khu công nghiệp cảng Hiệp Phước – huyện Nhà Bè của TP HCM.
Trọng tâm chiến lược phát triển của tỉnh Long An hiện nay nên là phát triển các vùng “đô thị nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch” Qua nghiên cứu, tác giả đề xuất xây dựng các vùng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch nằm trong khu vực huyện Bến Lức, huyện Đức Huệ, huyện Thủ Thừa, huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ và huyện Cần Đước. Các khu vực này có ưu thế nằm trong lưu vực hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, môi trường sinh thái tự nhiên khu vực này đa dạng từ vùng nước ngọt đến vùng nước lợ do đó phát triển được nhiều vùng chuyên canh. Trong tương lai sẽ phát triển mở rộng lan dần về vùng các huyện Thạnh Hóa, huyện Mộc Hóa. Trong giai đoạn đầu sẽ chọn thị trấn Bến Lức là đô thị trọng tâm tập trung phát triển theo mô hình “đô thị nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch”.
Thị trấn Bến Lức có vị trí thuận lợi trong tiếp cận với hệ thống giao thông đường bộ quốc gia nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các đô thị trong vùng động lực phát triển, liền kề với sông Vàm Cỏ Đông do đó thuận lợi về giao thông đường thủy. Tỷ lệ đô thị hóa của khu vực thị trấn Bến Lức hiện tại chưa cao, do đó thuận lợi khi quy hoạch theo mô hình mới; vùng không gian môi trường sinh thái xung quanh ít bị ô nhiễm, do đó thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch. Quy hoạch đô thị Bến Lức phải đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, cần phải giải quyết những vấn đề sau:
- Xác định hệ thống tiêu chí phát triển bền vững vận dụng vào quy hoạch thiết kế phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội và các giai đoạn sẽ phát triển theo mức độ của điều kiện kinh tế – kỹ thuật.
- Xác định mô hình phát triển của đô thị theo kiểu mẫu thành phố vườn. Đây là mô hình đã được chứng minh trong thực tiễn, tạo được sự cân bằng hài hòa giữa yêu cầu xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Mô hình phát triển của đô thị luôn theo cấu trúc mở, nhằm mục đích xây dựng không gian môi trường tiếp nhận được các chức năng mới, mở theo hướng môi trường sinh thái luôn đan xen với phát triển đô thị, mở theo hướng bổ sung tích hợp hệ thống kỹ thuật trong tương lai và mở theo hướng thích ứng với những thay đổi do sự tác động của môi trường, kinh tế, văn hóa xã hội. Trong cấu trúc đó, các chức năng chính được xác định là: Khu vực nghiên cứu, học tập, ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, khu vực cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch, khu sơ chế sau thu hoạch, khu thương mại, khu nhà ở, khu y tế, giáo dục, giải trí. Phát triển xung quanh đô thị này là các khu vực sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch sẽ có quy mô lớn dần khi quy mô thị trường mở rộng.
- Xác định quy mô của đô thị phát triển theo từng giai đoạn, trong đó cần xác định vùng không gian của đô thị, các chức năng được bổ sung cho đô thị hoặc các chức năng được chuyển dịch qua vùng đô thị khác. Khi mô hình đô thị này phù hợp và phát triển mở rộng thì việc phát triển không gian ở, không gian dịch vụ, thương mại, giải trí sẽ có cơ sở để phát triển mở rộng nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Trong giai đoạn hai, các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch sẽ phát triển lan dần về các vùng phía Tây-Bắc, phía Tây với trung tâm là đô thị Thủ Thừa, về phía Nam với trung tâm là đô thị Tân Trụ. Khi đó, cùng với việc TP HCM phát triển hoàn chỉnh khu vực đô thị Nam TP HCM, khu đô thị Tây TP HCM và hoàn chỉnh đường vành đai 2, 3 của Vùng kinh tế động lực phát triển thì đô thị Bến Lức sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng công nghệ sạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển thêm chức năng là trung tâm cung ứng dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng cho vùng TP HCM.
Phát triển theo định hướng nêu trên sẽ đảm bảo được mục đích phát triển bền vững cho tỉnh Long An trong tương lai vì đạt được cả ba mục tiêu của vấn đề phát triển bền vững:
- Tập trung đầu tư phát triển theo định hướng “đô thị nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch” sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Long An, bảo vệ được môi trường sinh thái tự nhiên của vùng tỉnh. Đồng thời, khả năng bảo vệ được sự đa dạng về mặt sinh học, khả năng cân bằng, tái cân bằng về mặt sinh thái của Long An sẽ luôn cao hơn so với phát triển theo hướng xây dựng các đô thị công nghiệp.
- Long An có nguồn lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống. Việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch với quy mô ngày càng mở rộng sẽ tiếp tục sử dụng lao động nông nghiệp của địa phương, không tạo nên sự xáo trộn về xã hội, ngành nghề, không tạo ra sự dịch chuyển dân cư nhưng lại nâng cao được trình độ của người lao động, trình độ dân trí của địa phương, ngoài ra còn có thể thu hút được lực lượng trí thức trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
- Với yếu tố kinh tế xét về lâu dài, tỉnh Long An khai thác “sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch” sẽ tạo nên được đặc trưng khác biệt có tính cạnh tranh cao so với nhiều địa phương trong vùng, cung cấp sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chất lượng sạch cho các địa phương, có thể xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển nếu như sản xuất với quy mô lớn và tạo được thương hiệu. Yếu tố quan trọng nữa là đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhưng tỉnh Long An vẫn giữ được nguồn tài nguyên to lớn là đất đai, đặc trưng môi trường sinh thái tự nhiên cho nhiều thế hệ mai sau tiếp tục khai thác ở trình độ kinh tế- kỹ thuật cao hơn.
Thực tế phát triển các đô thị trong vùng thời gian qua cho thấy nhiều địa phương xác định phát triển Công nghiệp làm mũi nhọn. Tuy nhiên, do nguồn lực chưa đáp ứng đủ, chưa có định hướng rõ lĩnh vực chuyên biệt đặc thù nên việc xây dựng các nhà máy, cụm, khu công nghiệp có tình trạng đan xen với vùng dân cư, các vùng sản xuất nông nghiệp, một số nơi các nhà máy còn phát triển tự phát theo mô hình tuyến bám theo các trục giao thông… gây ảnh hưởng đến cảnh quan, dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái tự nhiên. Mặt khác, các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, hiệu quả kinh tế không như mong muốn.
Đề xuất tỉnh Long An phát triển theo hướng “sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ sạch” là có cơ sở khoa học dựa vào các tiềm năng về môi trường sinh thái tự nhiên, về vị trí địa lý, về điều kiện Văn hóa – Xã hội, từ đó các đô thị của Long An sẽ được hình thành để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sử dụng công nghệ sạch. Đó chính là sự khác biệt đặc trưng có tính cạnh tranh cao so với các đô thị trong vùng.
Tài liệu tham khảo
– Bộ Xây dựng – Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn quốc gia – Phân viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn Miền Nam
– Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
TP HCM, năm 2014
ThS.KTS Giang Ngọc Huấn
Đại học Kiến trúc TP HCM