Với mục tiêu chiến lược là phát triển đô thị bền vững, hiện đại, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, tỉnh Gia Lai nói chung và TP Pleiku nói riêng chú trọng khai thác các nguồn lực, các lợi thế của Pleiku để xây dựng một TP vì sức khỏe, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng Việt Nam và quốc tế – một đô thị phát triển bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu (Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050). Trên thực tế, Tỉnh đã thực hiện nhiều dự án là những thành tựu đáng ghi nhận trong sự phát triển chung của Tỉnh, đặc biệt là những dự án khai thác yếu tố cây xanh, mặt nước, không gian cảnh quan và môi trường TP Pleiku như: Biển Hồ, suối Hội Phú, Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai….
Theo Nhà nghiên cứu – PTS.KTS Hàn Tấn Ngạn: “Sự tham gia của mặt nước vào cảnh quan đô thị nói chung, có thể dưới dạng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nếu địa hình là nhân tố chủ đạo của cảnh quan thì mặt nước góp cùng địa hình tạo nên sự phong phú của cảnh quan. Đặc biệt trong môi trường ô nhiễm của đô thị, mặt nước góp phần làm trong lành bầu không khí. Mặt nước giảm sự nhiễm bẩn, khử bụi và các chất thải công nghiệp, làm tan chất độc trong khí quyển”.
Cũng như mặt nước, cây xanh là một yếu tố thiên nhiên quan trọng. Tuy nhiên, mặt đất chừa lại trong đô thị ngày càng bị thu hẹp do mật độ xây dựng cao; môi trường đô thị khắc nghiệt nên nhiều loài cây sinh trưởng và phát triển khó khăn. Những loài thực vật địa phương mất dần trong môi trường đô thị và thay vào đó là những loài cây trồng đã được thuần hóa hoặc dễ thích nghi với môi trường đô thị. Do đó cây xanh trong cảnh quan khu quy hoạch ở dạng mảng lớn (vườn – công viên) hay cây trồng đơn lẻ là những cây được chọn lọc phù hợp với mối quan hệ sinh thái. Cây xanh lớn có tác dụng điều hòa môi trường, cải thiện mối quan hệ sinh thái. Cây xanh có tác dụng giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm và ảnh hưởng tới tốc độ chuyển động của không khí. Nó còn có khả năng ngăn tiếng ồn, cản bụi và tiết ra chất phitônxít diệt trùng, ion hóa không khí có lợi cho sự sống…
Yếu tố mặt nước, cây xanh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường TP Pleiku
Pleiku là thành phố miền núi Tây Nguyên, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, địa hình được kiến tạo từ nhiều núi lửa nên hình thành vùng có địa hình đặc trưng khác với thành Buôn Ma Thuột, Kon Tum, và các đô thị khác của Tây Nguyên. Thành phố có nhiều suối, kết hợp các vùng trũng của miệng núi lửa, tạo nên những cánh đồng lúa, những hồ nước tự nhiên nằm giữa đô thị, và các khu đồi cao có nhiều vị trí ấn tượng cho việc tạo điểm nhấn cho đô thị … Đồng thời, thiên nhiên cũng ban tặng cho TP cao nguyên này không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, hệ động thực vật phong phú … Đó là những tài nguyên quý giá, những lợi thế riêng có để Pleiku phát triển thành đô thị xanh, thân thiện môi trường và có bản sắc riêng.
Ngoài ra, Pleiku còn có nhiều nguồn lực khác như văn hóa bản địa, đô thị có sức sống và trẻ trung, các nguồn lực kinh tế … Những yếu tố cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và quan trọng tại thành phố Pleiku gồm có:
Mặt nước: Biển Hồ (700ha gồm hồ A và hồ B); hồ thôn 5 Trà đa 20 ha; hồ nhân tạo Ia Be 45ha; hồ nhân tạo Diên Hồng 2,6ha; hồ công viên Đồng Xanh 20ha; hồ khu Du lịch sinh thái Xuân Thủy 15ha …Về suối có suối Hội Phú 17km; suối Gia Linh 7,6km; Ia Pơ Lâu 7,0km; suối Ia Grang 2,0km… Hiện trạng không gian mặt nước hiện nay là thảm cây xanh rất trù phú và đa dạng. Mật độ cây xanh có độ che phủ tương đối tốt chống sạt lở, tạo vi tiểu khí hậu đến khí hậu đặ trưng của TP Pleiku rất tốt …
Địa hình núi, đồi thấp, các ruộng lúa trong đô thị: Phải kể đến núi Hàm Rồng, đồi 37 pháo binh, núi thấp tại xã Chư HDrông và các đồi thấp kết hợp với nhiều ruộng lúa xanh tốt trong đô thị như: Khu ruộng lúa 50 ha Hoa Lư, phường Thắng Lợi, ruộng lúa khu vực cầu Số 3, …hàng ngàn ha đất lúa và trông cây nông nghiệp ngắn ngày xã An Phú, Trà Đa…

Định hướng khai thác yếu tố mặt nước, cây xanh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường TP Pleiku
- Tạo được nguồn nước sạch với trữ lượng lớn cung cấp nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho thành phố Pleiku. Đặc biệt với đặc điểm là “thành phố không sông” (như các đô thị cận giang khác) nên Biển Hồ là viên ngọc quý cho thành phố Pleiku.
- Tạo môi trường lý tưởng cho đô thị nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, đô thị xanh… nâng cao chất lượng đời sống và sức khỏe cho người dân… Tạo cho đô thị có không gian đặc thù và có bản sắc riêng.
- Tạo sinh kế cho người dân hưởng lợi từ khai thác thiên nhiên, thúc đẩy sự sáng tạo phát huy để phát triển đô thị. Phát triển các ngành như du lịch dịch vụ, chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng, ..Tạo điều kiện về giải pháp thiết kế thoát nước cho đô thị, điều hòa nước vào mùa mưa và mùa khô, tạo ra các không gian công cộng, không gian ở lý tưởng thân thiện với môi trường…
Các dự án tiêu biểu của tỉnh Gia Lai và TP Pleiku:
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Gia Lai, Sở Xây dựng Gia Lai đã tổ chức lập quy hoạch và đầu tư các dự án, bước đầu đã có những thành quả đáng ghi nhận. Đó là các dự án tiêu biểu:
- Dự án Lâm Viên – Biển Hồ;
- Dự án suối Hội Phú;
- Công viên Văn hóa các Dân tộc Gia Lai
- Xã hội hóa các dự án do nhà đầu tư tư nhân như: Công viên Đồng Xanh, Khu Du lịch sinh thái Xuân Thủy, Khu Du lịch sinh thái Về Nguồn, hồ Diên Hồng…
- Các dự án trồng cây xanh đô thị, thoát nước đô thị, xử lý rác thải ….
1/ Dự án Lâm Viên – Biển Hồ:
Biển Hồ là một hồ nước tự nhiên có diện tích khoảng 220 ha (Hồ A) và có diện tích lớn hơn vào mùa nước lớn, với sức chứa được đánh giá là khoảng 23 triệu m3. Hồ nằm cạnh quốc lộ 14 đi Kon Tum và chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 8 km về phía Bắc. Theo các kết quả phân tích chất lượng nước Biển Hồ có từ nhiều năm nay thì nước Biển Hồ được đánh giá là có chất lượng tốt nhất trong tất cả các thuỷ vực mặt nước lớn tại Tây Nguyên. Với các đặc điểm về chất lượng và trữ lượng lớn và ổn định có thể nói Biển Hồ là một tài nguyên nước mặt dồi dào có ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển thành phố Pleiku và các huyện giáp ranh.
Dự án tạo cơ sở cho việc đầu tư xây dựng và quản lý nguồn nước, tôn tạo cảnh quan môi trường Biển Hồ, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội TP Pleiku. Những cơ sở này cũng nhằm giúp các nhà quy hoạch xem xét để có các quyết định cuối cùng cho các dự kiến bố trí các cơ sở công nghiệp Biển Hồ, các cụm dân cư và công trình dân dụng trong vùng lưu vực Biển Hồ. Đồ án giúp cho UBND Tỉnh, UBND Thành phố có phương huớng bảo vệ và sử dụng một cách an toàn, lâu dài nguồn nước Biển Hồ.
Những tác động xấu đến Biển Hồ có thể nảy sinh do nhiều yếu tố liên quan, trong đó có cả công tác quản lý, khai thác, xây dựng các công trình nhân tạo, hoạt động phát triển KT – XH trong các vùng ảnh hưởng cộng với các đặc thù của điều kiện tự nhiên của hệ thống Biển Hồ. Các nguy cơ chủ yếu được xác định gồm :
- Xói lở, trượt đất dẫn đến thay đổi hình thái hồ theo hướng tiêu cực;
- Suy thoái cạn kiệt nguồn nước, giảm khả năng dự trữ nước, ảnh hưởng đến việc sử dụng lâu bền nguồn nước quý giá của Biển Hồ;
- Suy giảm chất lượng nước hồ, ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt và công nghiệp cho thành phố Pleiku.
Các giải pháp kỹ thuật trong đồ án quy hoạch Lâm Viên – Biển Hồ được đề xuất nhằm bảo vệ một cách bền vững nguồn nước Biển Hồ.
2/ Suối Hội Phú và Quy hoạch suối Hội Phú
Suối Hội Phú bắt đầu từ xã Diên Phú chảy về xã Trà Đa thành phố Pleiku với tổng chiều dài 15,89 km. Trong đó:
Suối chính chảy qua khu vực trung tâm Đô thị Pleiku bắt đầu từ đường Lê Thánh Tôn đến cầu Ia Sol (đường Cách Mạng) là 6,25 km. Ngoài ra suối Hội Phú được hợp lưu dòng chảy từ các nhánh khác như: Nhánh từ đường Lê Thánh Tôn, nhánh từ công viên Diên Hồng, nhánh từ đường Thống Nhất, nhánh từ đường Cách Mạng (03 nhánh), nhánh suối thu nước của phường Phù Đổng (từ đường Lê Duẩn, Huyền Trân Công Chúa, Ngô Thì Nhậm…)
Trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch: Có 3 nhánh suối chính được đưa vào quy hoạch như:
+ Dòng suối chính suối Hội phú: 6,25km
+ Nhánh suối từ Lê Thánh Tôn và công viên Diên Hồng: 1,2 km
+ Nhánh dọc theo Huyền Trân Công Chúa, Ngô Thì Nhậm: 3,02km
Tổng cộng: 10,47km
* Dòng chảy được quy hoạch như sau:
– Bề rộng dòng chảy chính:
- Đoạn nhỏ nhất là 4-8m (đoạn đầu đường Lê Thánh Tôn và khu vực giáp ruộng lúa)
- Đoạn lớn nhất là 12m – 25m
- Đoạn lớn nhất 138m (đoạn tạo hồ)
– Dòng chảy cơ bản được quy hoạch theo dòng chảy tự nhiên nhằm tránh trường hợp gây ra hiện tượng tắt ngẽn dòng chảy gây hiện tượng ngập úng.
* Hình thành 5 hồ và đập điều hòa nước cho suối Hội Phú, 5 hồ này vừa tạo cảnh quan đô thị và điều hòa nước (năm hồ nước được nạo vét sình lầy, tạo độ sâu 1,5 – 2,5m so với cao trình mặt nước cao nhất vào mùa mưa). Dọc tuyến suối Hội Phú hình thành 5 hồ điều hòa nước với các cao trình dự kiến xả tràn và diện tích hồ là H1: 734m, diện tích: 2,79 ha; H2: 732m, diện tích: 7,49 ha; H3: 729m, diện tích: 2,6 ha; H4: 728m, diện tích: 1,2 ha; H5: 723m-725m, diện tích: 5,1 ha, tổng diện tích hồ 19,18 ha.
* Giao thông và cảnh quan ven suối:
– Đường giao thông ven suối có quy mô : Lòng đường: 6,0m – 7,0m; vỉa hè bên có nhà ở là 2,5m – 3,0m; bên suối là 1,5m – 3,0m, đường dạo bộ 1,2m. Khoảng lùi xây dựng là 1,5m – 6,0m (tùy theo nhà lô phố hay nhà biệt thự). Hai bên suối và xung quanh các hồ nước xây dựng kè kiến cố chống sạt lở. Không gian giữa kè chống sạt lở và đường giao thông ven hồ là hoa viên cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, đường dạo bộ, các công trình xử lý vệ sinh môi trường và hạ tầng khác.
– Để thuận lợi cho việc kết nối hạ tầng các khu với nhau, dự kiến đấu nối đường giao thông qua suối Hội Phú như sau:
- Đấu nối đường đường A Sanh qua đường Nguyễn Trung Trực: (dự kiến cầu hoặc cống hộp).
- Đấu nối đường giao thông tại khu vực tái định cư trại kỷ luật Quân Đội qua khu đường Cách Mạng Tháng 8 (bố trí cống có cửa xả).
- Cầu Nguyễn Văn Linh sẽ được đưa vào dự án đầu tư riêng.
- Các cống qua suối tại đường Chu Mạnh Trinh, Sư Vạn Hạnh nối dài, Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tất Thành, Tạ Quang Bửu, Phù Đổng và cầu Ia Sol mới được đầu tư nên giai đọan này vẫn đưa vào sử dụng. Riêng nút giao thông Hội Phú sẽ thực hiện theo dự án riêng.

Xem thêm:Nâng cao năng lực quản lý Đô thị – Xây dựng Thành phố Pleiku bền vững và bản sắc
Sở Xây dựng Gia Lai
(Bài đăng trên số 6/2016)