Yếu tố văn hóa – xã hội và kinh tế tác động của đến tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Chăm, Khmer, Hoa,…). Mỗi dân tộc với những đặc trưng rất riêng về văn hóa – xã hội và kinh tế được biểu hiện trong tất cả hoạt động sống hàng ngày. Thế nhưng, trong thực tế, các công trình kiến trúc ở đây (đặc biệt là các công trình công cộng) vẫn chưa phản ánh được rõ nét những đặc tính này trong mối tương quan với cuộc sống của cộng đồng dân cư. Do vậy, việc tìm hiểu các yếu tố cơ bản về văn hóa – xã hội và kinh tế là cần thiết, để từ đó đề xuất định hướng trong tổ chức không gian kiến trúc của những công trình sẽ được xây dựng trong không gian văn hóa – xã hội và kinh tế rất đặc trưng tại vùng đất phương Nam này.

Cơ sở giáo dục mầm non luôn luôn là một thành phần trong cấu trúc không gian của mọi điểm dân cư. Thể loại công trình này rất cần biểu hiện được những đặc thù về văn hóa – xã hội và kinh tế tại địa phương nơi công trình sẽ được xây dựng. Trong khuôn khổ bài báo, tác giả hy vọng sẽ đạt được mục tiêu sau: Tìm hiểu một số yếu tố cơ bản về văn hóa – xã hội và kinh tế cũng như tác động của các yếu tố này đến tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non tại Vùng ĐBSCL

Trường mầm non được lấy ý tưởng từ những chú bọ cánh cứng.

(Nguồn: kientaoviet.com.vn)

Đặc điểm và tác động của yếu tố văn hóa – xã hội và kinh tế đến tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non tại Vùng ĐB Sông Cửu Long

1. Đặc điểm cơ bản về yếu tố văn hóa – xã hội và kinh tế

Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long là châu thổ rộng lớn và màu mỡ nhất Việt Nam chiếm 12% tổng diện tích của cả nước.

ĐBSCL là vùng đất hội cư của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Việt (90%) và Khmer (6,10%), người Hoa (1,70%), các dân tộc còn lại – 0,2%. Là vùng có cơ cấu dân số khá trẻ: 53% dưới 20 tuổi, 24,3% từ 20 – 34 tuổi và chỉ có 22,7% từ 35 tuổi trở lên. Đây là vùng có truyền thống văn hóa tâm linh về tôn giáo rất phong phú và đa dạng [1].

Người Việt ở vùng châu thổ này cũng có cùng nguồn gốc với người Việt ở “xứ đằng ngoài”. Trong quá trình khai phá vùng đất mới họ luôn kế thừa truyền thống của dòng giống Lạc Hồng và tiếp thu một cách có chọn lọc những nét đẹp của văn hóa từ các dân tộc Chăm, Khmer bản địa và người Hoa để tạo nên bản sắc văn hóa của riêng.

Nếu so với lịch sử hàng ngàn năm của miền Bắc và miền Trung, thì đây là “vùng đất mới”, bởi vì lịch sử khai phá vùng đất này của người Việt mới có hơn ba thế kỷ. Điều này khiến cho việc sử dụng khái niệm “truyền thống” trở nên khá dè dặt, vì khó có thể triển khai trọn vẹn những hiểu biết về đặc trưng văn hóa truyền thống ở vùng nông thôn lâu đời từ “xứ đằng ngoài” vào vùng đất này.

Nói chung, điều kiện tự nhiên – khí hậu Vùng ĐBSCL rất thích hợp cho việc phát triển nông, lâm, ngư, nghiệp. Những năm vừa qua, vùng đất này đã trở thành trọng điểm kinh tế, là khu vực đứng đầu xuất khẩu lúa gạo của cả nước, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của đất nước (đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản và 70% lượng trái cây hàng năm của cả nước,…). Riêng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ và phân tán. Thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm khoảng 8,6% tổng kim ngạch của cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân 19,7%/năm, xấp xỉ mức tăng cả nước [1].

Sơ đồ cấu trúc công năng tổng thể công trình giáo dục mầm non

Ghi chú: Khối nhà trẻ – mẫu giáo (khối học) ở bên phải có thể sẽ được xây dựng sau

(tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương)

Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL vẫn còn là vùng “trũng” về mức sống; mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ nghèo đói ở đây khá cao, nhiều vùng sâu, vùng xa nhu cầu văn hóa rất thiếu thốn. Nhất là trong vài năm gần đây, sự phát triển kinh tế của vùng này có dấu hiệu chậm lại. Điều đó bộc lộ sự phát triển thiếu bền vững [5].

2. Tác động của yếu tố văn hóa – xã hội và kinh tế đến tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non tại Vùng ĐBSCL

2.1 Tác động của yếu tố văn hóa – xã hội đến tính bản địa các cơ sở giáo dục mầm non tại Vùng ĐBSCL

  • Tính bản địa trong tổ chức không gian kiến trúc

Việc khai thác các yếu tố địa phương luôn luôn được các KTS trăn trở để tìm kiếm ý tưởng cho công trình của mình.

Tính bản địa được thể hiện trong tổ chức mặt bằng tổng thể; trong tổ hợp hình khối, hình thức; trong bố trí mặt bằng cụ thể của từng tầng nhà,…Trong đó, hình khối và hình thức kiến trúc là những xuất phát điểm quan trọng để có thể biểu đạt được tính bản địa kiến trúc của công trình. Chính vì vậy khi tìm ý tưởng hình khối và hình thức kiến trúc, các KTS luôn lồng ghép yếu tố đặc thù về văn hóa, xã hội của địa phương để hy vọng có thể đạt được tính bản địa kiến trúc của công trình.

Muốn biểu đạt tốt hơn tính bản địa của công trình kiến trúc, các KTS còn sử dụng hay mô phỏng những hình thức trang trí khác nhau mang tinh thần của yếu tố kiến trúc địa phương trong tổ hợp không gian hay trên các mặt đứng công trình. Điều này có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với các tộc người cùng chung sống trên một vùng đất nào đó, bởi vì ai cũng có thể cảm nhận được đặc thù về văn hóa, xã hội của dân tộc mình ở đâu đó trong các công trình mà thường ngày họ thụ cảm!

Hình khối và hình thức cũng như tổ hợp không gian của bất kỳ một công trình kiến trúc nào đó đều có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của con người đối với quê hương bản quán. Người dân luôn luôn tự hào rằng quê hương của họ có công trình này hay, công trình kia đẹp,…Do vậy, chính những công trình đó mang lại tính giáo dục rất cao, giúp cho con người nhận thức được vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật kiến trúc,…Đối với cơ sở giáo dục mầm non (một thể loại công trình gắn chặt với đời sống thường nhật của người dân) thì ý nghĩa của nó càng cao thể hiện qua các mặt sau: Tinh thần nơi chốn, giá trị cảnh quan khu dân cư, biểu tượng về giáo dục mầm non, cảm xúc nghệ thuật tạo hình kiến trúc,…

  • Tính hình tượng và ý nghĩa văn hóa – xã hội của nó trong tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non.

Kiến trúc của các cơ sở giáo dục mầm non thường mang tính giáo dục trực quan. Do vậy mà thể loại công trình này đòi hỏi từ hình dáng cả ở trong và ngoài công trình đến các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi,…đều phải sử dụng các hình khối đơn giản dễ nhận biết, dễ cảm nhận và dễ phân biệt đối với trẻ em; Mang tính chất vui nhộn, ngộ nghĩnh, thậm chí có thể pha trộn thêm tính chất huyền bí,…nhưng với các tông màu phải sáng tươi. Đồng thời, tất cả phải được trang trí mang tính thẩm mỹ cao. Tốt nhất là chúng phải được tạo hình trên tinh thần của “phỏng sinh học”, tức là theo những gì quen thuộc và gần gũi với trẻ trong thiên nhiên bao quanh và trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ thường xuyên được tiếp xúc.

Hình ảnh trường mầm non được tạo dựng trên cơ sở của các loại hình và hình khối quen thuộc, gần gũi đối với trẻ

Trong hình 1 giới thiệu một số hình ảnh trường mầm non được tạo dựng trên cơ sở của các loại hình và hình khối quen thuộc, gần gũi đối với trẻ em.

2.2 Tác động của yếu tố văn hóa – xã hội đến tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non

Yếu tố văn hóa – xã hội truyền thống luôn luôn chi phối ngôn ngữ tạo hình và tổ hợp không gian kiến trúc của tất cả các thể loại công trình nói chung. Riêng về các cơ sở giáo dục mầm non thì những đặc trưng của yếu tố văn hóa – xã hội của từng địa phương cũng phải được thể hiện rõ nét trên tất cả các khía cạnh của tổ hợp không gian kiến trúc công trình. Điều đó sẽ góp phần đáng kể để trẻ em luôn hứng khởi khi đến trường, đến lớp,…Rồi mai sau khi trưởng thành, các cháu sẽ luôn nhớ về nơi mình đã từng được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường thân thiện, mà ở đó mọi thứ đều rất thân thuộc đối với chúng: Từ các đồ chơi và trò chơi dân gian đến cây xanh rợp bóng sân trường,…

Yếu tố văn hóa – xã hội truyền thống còn được thể hiện thông qua việc tổ chức không gian kiến trúc của từng đơn vị chức năng của công trình. Đối với trẻ em, ý nghĩa tư tưởng của công trình hoàn toàn không “tồn tại”, trẻ em chỉ cảm thụ công trình bằng trực giác đẹp hay xấu mà thôi! Hay nói cách khác, trẻ em khi “quan sát” công trình chỉ bằng trực giác riêng của mình chứ hoàn toàn không biết đánh giá hay nhận xét! Chính vì vậy mà khi tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non thường được các KTS mô phỏng từ các “hình tượng” quen thuộc trong văn hóa và đời sống thực của cộng đồng.

2.3. Tác động của yếu tố kinh tế đến tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non tại Vùng ĐBSCL

Như đã phân tích trên đây, dù rằng Vùng ĐBSCL có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng rất tiếc đó là nền kinh tế còn rất manh mún dựa trên công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ và phân tán, chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản và sửa chữa nhỏ,…

Người nông dân miền Tây, đã bao đời nay có cuộc sống phụ thuộc vào nhịp lên xuống của mùa lũ (mùa nước nổi) và họ mưu sinh nhờ vào hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của vùng sông nước phương Nam này.

Cần phải có các giải pháp để “Sống chung với lũ” và “Sống chung với biến đổi khí hậu” như người dân ở Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã sống hơn 300 năm qua! Có nghĩa là nhà ở của họ và các công trình phúc lợi xã hội gắn chặt với cuộc sống thường nhật của cư dân nơi đây (trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non) phải sao cho chúng có thể thích ứng hoặc có thể “né” được lũ.

Dưới góc nhìn kinh tế, nếu tích hợp trong không gian kiến trúc của các cơ sở giáo dục mầm non với chức năng cứu hộ hoặc lưu trú tạm thời của cư dân khi lũ lụt là vấn đề rất thiết thực và sẽ đạt được lợi ích kinh tế cụ thể sau: Nếu đầu tư cho các công trình công cộng phúc lợi xã hội gắn chặt với cuộc sống thường nhật của cư dân nơi đây (trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non) mà kết hợp được với một số chức năng khác như cứu hộ hoặc lưu trú tạm thời của cư dân khi lũ lụt lớn xảy ra thì sẽ không phải xây dựng các nhà trú ẩn riêng. Hơn thế nữa, sự kết hợp này sẽ phát huy được mọi tiềm năng của xã hội! Điều đó sẽ thực tế hơn trong điều kiện của vùng kinh tế còn nhiều khó khăn và hàng năm bị ngập lụt như ĐBSCL.

Khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, thì việc tổ chức không gian kiến trúc và xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng ĐBSCL cần phải phân kỳ theo các giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.

Trong hình 2 là sơ đồ lý thuyết chung về bố cục của các cơ sở giáo dục mầm non ở Vùng. Ở đây, nên kết hợp không gian vui chơi chung của trẻ với không gian trú ẩn dành cho những cư dân không có đầy đủ sức khỏe để “vật lộn” với con nước (người khuyết tật, trẻ em đang trong độ tuổi thiếu niên, phụ nữ trong thời gian mang thai, người già, người ốm yếu,…). Trong nhiều trường hợp, những cư dân “thế yếu” này không thể ở lại nhà mình khi lũ lớn xảy ra, bởi vì không phải gia đình nào cũng có khả năng xây dựng nhà tránh lũ.

Trong điều kiện khí hậu rất đặc thù ở Vùng ĐBSCL (ngập úng do lũ lụt và biến đổi khí hậu), với mục đích chính là tránh ngập úng và đảm bảo hoạt động bình thường của nhà trường ngay cả trong mùa lũ thì rất cần để trống tầng 1. Việc để trống tầng 1, kinh phí xây dựng chắc chắn sẽ tăng lên. Nhưng ý nghĩa xã hội của nó sẽ lớn hơn rất nhiều: Hơn thế nữa, trong mùa lũ (mùa nước nổi) là dịp rất tốt để cư dân của Vùng ĐBSCL mưu sinh,…nên việc gửi con cái vào các cơ sở giáo dục mầm non khi mà có nhiều người lớn cùng trú ẩn thì chắc chắn phụ huynh sẽ yên tâm hơn!

Kết luận

Đặc trưng cơ bản trong văn hóa – xã hội và kinh tế tại Vùng ĐBSCL là tính đa dạng, bởi ở đây có nhiều dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Chăm, Khmer, Hoa,…). Mỗi dân tộc với những đặc trưng rất riêng về văn hóa – xã hội và kinh tế. Nhưng sự giao hòa về văn hóa – xã hội và kinh tế là một mảng màu khá nổi trên vùng đất này.

Nói chung, yếu tố văn hóa – xã hội và kinh tế luôn luôn chi phối và có tác động mạnh mẽ đến tổ chức không gian kiến trúc của các thể loại công trình (trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non).

Việc xác lập được đặc điểm văn hóa – xã hội và kinh tế trong tổ chức không gian kiến trúc của các thể loại công trình nói chung và của các cơ sở giáo dục mầm non nói riêng là một công việc rất khó khăn, nhưng vô cùng cần thiết để công trình có thể đáp ứng được nhu cầu của cư dân bản địa (cả về yếu tố vật thể và phi vật thể).

Để có thể đưa ra giải pháp quy hoạch, kiến trúc phù hợp với điều kiện văn hóa – xã hội và kinh tế thì phải xác định được những đặc điểm và tác động cơ bản của các yếu tố này đến giải pháp tổ chức không gian kiến trúc công trình. Những ưu điểm thì rất cần phải lợi dụng một cách triệt để. Đồng thời, phải né tránh hay khắc phục những tác động không tốt của các yếu tố đó nhằm đạt được mục đích mong muốn!

Việc tổ chức không gian kiến trúc và xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non cần phải phân kỳ theo các giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.

Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc các cơ sở giáo dục mầm non rất cần được tích hợp trong đó không gian trú ẩn cho cư dân khi lũ lụt lớn xảy ra. Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn.

Tài liệu tham khảo

  • Đồng bằng sông Cửu Long – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Tiếng Việt.
  • Bộ NN&PTNT, 10/2009, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2011-2020.
  • Mạc Đường (chủ biên). Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
  • Thạch Phương – Hồ Lê – Huỳnh Lứa – Nguyễn Quang Vinh: Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. NXBKHXH, Hà Nội – 1992..
  • http://www.giaoducthoidai.vn
  • http://www.kientaoviet.com.vn

TS.KTS Nguyễn Văn Đỉnh

Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2016)